Ứng xử lệch chuẩn của cô giáo và bài học về văn hóa ứng xử trong giáo dục

Người xem: 263

Lâm Trực@

Thanh Hóa, 30/9/2024 – Vụ việc cô giáo Trương Phương Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3 tại Trường Tiểu học Chương Dương, TP. Hồ Chí Minh, đã gây xôn xao dư luận không chỉ bởi hành động xin tiền phụ huynh để mua laptop, mà còn bởi những phát ngôn gây tranh cãi, thể hiện sự lệch chuẩn văn hóa trong giao tiếp và ứng xử trong một cuộc họp với phụ huynh học sinh.

Cô giáo Trương Phương Hạnh trong vụ xin tiền phụ huynh mua laptop – Ảnh: Mỹ Quỳnh

Cụ thể, trong đoạn ghi âm tại buổi họp, cô Hạnh đã thẳng thừng tuyên bố: “Tính tôi thẳng thắn nên người ta không thích tôi. Chỉ những phụ huynh hiểu chuyện, có ăn học mới thích tôi thôi. Tôi chỉ giao du với những phụ huynh đó, còn những phụ huynh đầu đường xó chợ tôi không giao du.” Đây là phát ngôn gây sốc, không chỉ phân biệt đối xử mà còn thể hiện sự khinh miệt đối với những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn hoặc thuộc tầng lớp lao động.

Là một giáo viên, trách nhiệm của cô là đối xử công bằng và tôn trọng tất cả phụ huynh và học sinh, không phân biệt địa vị xã hội hay trình độ học vấn. Thay vì tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với phụ huynh để cùng hỗ trợ trong quá trình giáo dục học sinh, cô Hạnh lại dùng những lời lẽ xúc phạm, mang tính phân biệt, điều này không chỉ làm tổn thương phụ huynh mà còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Trong một môi trường giáo dục, sự tôn trọng và hợp tác giữa giáo viên và phụ huynh là điều thiết yếu để tạo ra môi trường học tập lành mạnh và hiệu quả cho học sinh. Việc kỳ thị những người có hoàn cảnh khó khăn không chỉ phản ánh thái độ thiếu văn minh mà còn trái ngược với sứ mệnh của giáo dục là bình đẳng và khai sáng.

Không chỉ dừng lại ở phát ngôn không đúng mực, cô Hạnh còn lớn tiếng, la hét trong cuộc họp khi bị chỉ trích, và thậm chí tuyên bố rằng mình không sai. Hành vi này cho thấy cô không thể kiểm soát được cảm xúc và thiếu kỹ năng giao tiếp trong các tình huống căng thẳng. Điều này đặt ra câu hỏi về sự chuyên nghiệp của cô trong vai trò người đứng lớp, bởi giáo viên cần phải có khả năng lắng nghe và giải quyết mâu thuẫn một cách bình tĩnh và khôn khéo, thay vì phản ứng bằng cách lớn tiếng và xúc phạm người khác.

Liên quan đến việc cô xin tiền phụ huynh để mua laptop, cô Hạnh đã biện minh rằng do bị mất máy tính cá nhân và cần có máy để phục vụ công tác giảng dạy, nên cô đã đề xuất phụ huynh đóng góp tiền để mua máy tính mới. Tuy nhiên, điều này vi phạm quy định về việc thu tiền từ phụ huynh. Dù cô cho biết đã tổ chức một cuộc bình chọn để tìm lý do từ chối nhận tiền, việc này cho thấy sự lúng túng và thiếu minh bạch trong cách giải quyết vấn đề. Thay vì tuân thủ quy định của nhà trường ngay từ đầu, cô lại tìm cách để hợp thức hóa hành động lệch chuẩn của mình, khiến nhiều phụ huynh cảm thấy không hài lòng và mất niềm tin.

Vụ việc đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, khi nhiều phụ huynh quyết định không cho con đến lớp sau khi biết về các phát ngôn và hành vi của cô Hạnh, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi học tập của học sinh và tạo ra sự căng thẳng trong quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương, ông Lê Công Minh, đã lên tiếng xác nhận rằng nhà trường không bao che cho hành vi của cô Hạnh và đang trong quá trình xử lý vụ việc. Cô giáo Hạnh cũng đã bị đình chỉ công tác để làm rõ sự việc.

Vụ cô giáo xin tiền phụ huynh để mua laptop, và dỗi khi không được thỏa mãn nhu cầu đã tạo một trend tiêu cực trên mạng xã hội là cản báo nghiêm túc ngành giáo dục về việc ứng xử văn hóa và trách nhiệm nghề nghiệp. Giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là tấm gương về đạo đức và hành vi cho học sinh noi theo. Mọi hành động và phát ngôn của giáo viên, dù là trong lớp học hay ngoài đời, đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tâm lý và nhận thức của học sinh. Việc duy trì thái độ tôn trọng, bình đẳng và khéo léo trong giao tiếp không chỉ giúp giáo viên xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với phụ huynh mà còn góp phần tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh và bền vững.

Như John Dewey, triết gia nổi tiếng về giáo dục, và là nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ từng nói: “Giáo dục không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống; giáo dục chính là cuộc sống.” Mỗi lời nói và hành động của người thầy chính là bài học trực tiếp cho học sinh, và sự công bằng, tôn trọng chính là nền tảng để xây dựng một nền giáo dục tiến bộ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *