Mới: Đã có Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Người xem: 325

Cuteo@

Còn nhớ, ngay trên blog này, vào hôm 15/3/2022 tôi đã biên một bài về sự cần thiết phải có Luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được nhiều bạn đọc ủng hộ. Và hôm nay, Quốc hội vừa thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với 386/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (78,14%).

Luật gồm 5 chương với 33 điều và có hiệu lực từ 1/7/2024. Nội dung Luật có nhiều điểm mà bài viết của tôi trước đây đã đề xuất và lý giải (Xem bài viết hôm 15/3/2022 ở đây).

Theo báo chí, Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có nhiều ưu điểm.

Thống nhất 3 lực lượng

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định của luật này.

Lực lượng này được bố trí ở thôn, tổ dân phố; do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ công an xã, phường, thị trấn, giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Công dân Việt Nam được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học trở lên…

Trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của công an cấp xã.

Kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Hằng năm, Bộ Công an, UBND các cấp có trách nhiệm lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được bảo đảm kinh phí hoạt động, trang bị công cụ hỗ trợ; có trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quy định việc cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, quản lý, sử dụng biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Luật cũng quy định, người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định

Bên cạnh đó, còn được hỗ trợ, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ như làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…

Việc chi trả cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở do ngân sách Nhà nước đảm nhiệm. Trong đó, nhiệm vụ chi của Bộ Công an do ngân sách trung ương bảo đảm; nhiệm vụ chi của địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm theo quyết định của HĐND các cấp.

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Không tăng tổng kinh phí

Quá trình thảo luận trước đó, có ý kiến băn khoăn về việc khi luật này được ban hành có thể làm tăng biên chế và chi ngân sách Nhà nước. Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tác động về biên chế, kinh phí và điều kiện bảo đảm cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Theo báo cáo của Chính phủ, toàn quốc hiện có 298.688 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Mức chi bảo đảm hoạt động cho các lực lượng này là khoảng 3.570 tỷ đồng/năm (trung bình 1 tỉnh, thành phố chi trả khoảng 56,7 tỷ đồng/năm, tương ứng khoảng 4,7 tỷ đồng/1 tháng).

Để triển khai lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, nếu mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ an ninh trật tự thì dự kiến cần ít nhất 254.163 người tham gia (tính đến tháng 12/2022, toàn quốc có 84.721 thôn, tổ dân phố; mỗi tổ cần ít nhất 3 người) và dự kiến tổng kinh phí cần chi để bảo đảm hoạt động của các tổ này là 3.505 tỷ đồng/năm (trung bình 1 tỉnh, thành phố cần khoảng 55,6 tỷ đồng/năm, tương ứng khoảng 4,6 tỷ đồng/1 tháng).

“Với việc hình thành Tổ bảo vệ an ninh trật tự và dự tính kinh phí nêu trên sẽ không tăng số lượng người tham gia hoạt động và không tăng tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay”, ông Lê Tấn Tới nói.

Về ý kiến cho rằng cần quy định “cứng” trong luật khung mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức bồi dưỡng  hoặc quy định khung mức tối thiểu chi hỗ trợ với lực lượng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng “sẽ không phù hợp với thực tế”, nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế. Quy định “cứng” mức hỗ trợ cũng tạo áp lực về bảo đảm kinh phí với các địa phương chưa tự chủ được ngân sách.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng và mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tư ở cơ sở để phù hợp với thực tế điều kiện ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của luật.

***

Nội dung chính bài viết hôm 15/3/2022

Nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự là nhiệm vụ chung của cả xã hội, của cả hệ thống chính trị mà nòng cốt là lực lượng công an,vì thế tại một địa bàn cụ thể thì ngoài lực lượng công an chính quy cấp xã thực hiện chức năng bảo đảm an ninh trật tự theo quy định của pháp luật, thì còn có sự tham gia của người dân. Khảo sát tại các địa bàn cơ sở cấp xã phường cho thấy, người dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự được nhóm lại thành 3 nhóm cơ bản, đó là (1) Công an xã bán chuyên trách; (2) Bảo vệ dân phố; và (3) Dân phòng. Mỗi lực lượng này lại chịu sự quản lý của các cơ quan khác nhau (Theo pháp lệnh công an xã 2008; Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 về Bảo vệ dân phố…), nhưng lại chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của ngành công an.

Như vậy, nếu xét về số lượng là khá đông đảo, và từ số lượng suy ra kinh phí để tổ chức, duy trì 3 lực lượng nói trên hoạt động là khá lớn và chắc chắn là gánh nặng cho ngân sách. Chả thế, khi có sự vụ liên quan tới an ninh trật tự xảy ra sẽ có cả công an chính quy cấp xã, có cả công an xã bán chuyên trách, dân phòng và thậm chí cả bảo vệ dân phố. Nhưng đôi khi lại không có lực lượng nào xuất hiện để giải quyết công việc.

Thực tế này cho thấy, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cấp cơ sở vừa thừa lại vừa thiếu, trình độ chuyên môn yếu, đồng phục thì mỗi lực lượng mỗi kiểu và chịu sự tổ chức, quản lý của nhiều tổ chức khác nhau… Điều này có thể dẫn đến chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ, nhưng cũng có có thể dẫn tới bở xót địa bàn, đối tượng. Hiển nhiên là những khiếm khuyết ấy sẽ làm giảm hiệu quả công tác. Những bất cập đó có thể được liệt kê cụ thể như sau:

– Có nhiều lực lượng cùng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, nhưng lại không thống nhất, mối lực lượng lại có trang phục, đồng phục, công cụ hỗ trợ, phù hiệu khác nhau;

– Quân số đông mà không tinh, do không được tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí phù hợp bởi cơ quan công an;

– Tốn kém kinh phí từ ngân sách nhà nước;

– Tổng biên chế ở cấp cơ sở bị phình to rất phản cảm và không cần thiết;

– Cần nhiều văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh và quản lý các lực lượng này và từ đó nhiều phát sinh, xung đột, bất cập trong thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ;

– Chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm và ngược lại cũng có thể bỏ xót vụ việc, đối tượng… bởi có sự ỷ lại, dựa dẫm hoặc thoái thác trách nhiệm.

Từ những điểm bất cập nói trên, câu hỏi đặt ra là vì sao trên cùng một địa bàn lại phải duy trì cùng lúc nhiều lực lượng đông đảo mà không tinh nhuệ, dẫn đế việc lãng phí nhận lực và tiền bạc từ ngân sách nhà nước và rằng, tại sao không hợp nhất thành một đầu mối, vừa tinh gọn, vừa đỡ tốn kém, vừa đẹp đẽ trong mắt người dân?

Đó chính là ý tưởng tiến bộ và cách mạng và câu trả lời là sẽ phải thống nhất thành một lực lượng, thu về một đầu mối quản lý. Nếu làm được điều này bằng cách xây dựng Luật về các lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở hoặc Luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở thì sẽ thấy rõ những kết quả tích cực là:

– Chỉ có một lực lượng thống nhất toàn quốc tham gia bảo vệ an ninh trật tự do một đầu mối quản lý, chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của công an;

– Bộ máy sẽ gọn gàng hơn, tinh giản được gần một nửa biên chế hiện có;

– Loại bỏ được rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hoạt động của các lực lượng này, từ đó giải quyết được tình trạng văn bản quy phạm pháp luật có batas cập, xung đột.

– Giảm chi ngân sách vì quân số giảm đi gần một nửa;

– Quân số tuy ít nhưng tinh nhuệ, trách nhiệm vì được quản lý, đào tạo bồi dưỡng bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật, làm tăng hiệu quả, hiệu lực bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở;

– Giảm thiểu sự bức xúc của người dân khi có vụ việc liên quan tới an ninh trật tự;

– Và lực lượng thống nhất, được đào tạo tốt, được trui rèn qua thực tiễn sẽ là nguồn nhân lực dồi dào, bổ sung cho lực lượng công an chính quy, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thậm chí, còn là nguồn nhân lực dồi dào bổ sung cho lực lượng cán bộ cấp xã, phường.

Như vậy, từ việc phân tích, thiệt hơn như trên thì có thể thấy việc xây dựng, ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là vô cùng cần thiết và nó hoàn toàn phù hợp với quan điểm của đảng, không làm phình to tổ chức bộ máy, không làm tăng biên chế, không phát sinh gánh nặng cho ngân sách nhà nước và chắc chắn công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cấp xã phường sẽ được cải thiện đáng kể.

Mấy bác ĐBQH, mấy anh nhà báo cứ mở mồm ra là sợ “Phình to biên chế”, sợ “Tốn kém kinh phí”… thì yên tâm nhé. Luật được thông qua thì mỗi tháng ngân sách tiết kiệm được 150 tỷ đấy, làm được khối việc.

2 thoughts on “Mới: Đã có Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

  1. Minh Ngoc says:

    Có lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là cần thiết lắm, đỡ đần được nhiều cho công an bộ đội. Nhưng vì thế nên chính sách đãi ngộ với họ cũng cần phải chú trọng nhiều, nhất mà mấy vấn đề liên quan đến bảo hiểm hay là trợ cấp khi tăng ca gì đó, để họ còn yên tâm công tác

  2. Minh Ngoc says:

    Về quê thấy các ông các bác nghỉ hưu xong đi làm cho đội an ninh tự quản, thấy quê nhà mình ngày càng đảm bảo an ninh, tệ nạn xã hội như mấy cái trộm cắp hay bắn trộm pháo đợt tết cũng đỡ đi nhiều. Đúng là Nhà nước mình ngày càng có những bước đi đúng đắn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *