Loạt tấn công của Nga báo hiệu chiến dịch ở Ukraine chuyển giai đoạn mới

Người xem: 94

Các cuộc tấn công gần đây của Nga vào hệ thống năng lượng của Ukraine đã gây thiệt hại nặng nề cho các cơ sở hạ tầng quan trọng. Loạt tấn công này cũng đánh dấu mốc khởi đầu của một giai đoạn mới trong xung đột hiện nay.

Một tòa nhà ở Kryvyi Rih, Ukraine, bị hư hại do xung đột. Ảnh: Reuters

Báo Pravda của Nga dẫn lời chuyên gia quân sự Yuriy Podolyaka cho rằng cuộc chiến tranh năng lượng ở Ukraine đã bước sang giai đoạn mới, trong bối cảnh các lực lượng Nga đang dồn dập tấn công các cơ sở sản xuất điện trọng yếu của quốc gia này.
 
“Đây là một tín hiệu xấu đối với cả chính quyền và người dân Ukraine. Các cơ sở sản xuất điện bị phá hủy đồng nghĩa với việc phải mất nhiều tháng để khôi phục, nếu như khả thi”, ông Yuriy Podolyaka nhận xét trên kênh Telegram.
 
Những vụ không kích đã gây ra tình trạng mất điện diện rộng ở khắp Ukraine. Nhiều tuyến tàu điện ngầm ở Kharkiv, Kiev và Dnepropetrovsk. Nguồn cung cấp nước sinh cũng bị gián đoạn, buộc giới chức địa phương phải kêu gọi người dân dự trữ nước uống. Hệ thống thông tin liên lạc đường sắt ở miền Trung Ukraine cũng rơi vào tình trạng ngừng hoạt động.
 
Theo người phát ngôn Yuriy Ignat của Không quân Ukraine, quân đội Nga đã sử dụng mọi thứ họ có trong tay, như máy bay Tu-95, Su-35, MIG-31, trong chiến dịch tấn công mới này. Sự xuất hiện máy bay cảnh báo sớm tầm xa A-50U cũng giúp các máy bay chiến đấu của Nga gia tăng hiệu quả tấn công.
 
Ngoài ra, vụ tấn công bằng tên lửa những ngày gần đây cho thấy Nga đã có mục tiêu cụ thể trong giai đoạn đặc biệt này của chiến dịch quân sự tại Ukraine.
 
Theo đó, Nga muốn giành chiến thắng bằng cách phá hủy đồng loạt các cơ sở năng lượng, cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống cấp nước, cơ sở lưu trữ nhiên liệu, các doanh nghiệp liên hợp công nghiệp – quân sự cùng với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm lưỡng dụng.
 
Ngày 16/12, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ông Dmitry Medvedev đã nêu rõ các mục tiêu quân sự hợp pháp của Nga tại Ukraine. Chúng gồm các cơ sở quân sự và bất kỳ cơ sở hạ tầng dân sự nào góp phần đạt được các mục tiêu quân sự, đặc biệt là cầu, nhà ga, đường xá, cơ sở năng lượng, nhà máy và xưởng.
 
Ông Medvedev cũng đặt câu hỏi liệu rằng những động thái của khối quân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể được coi là một lời tuyên chiến trực tiếp với Nga hay không, khi mà phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.
 
“Lãnh đạo các nước NATO đều nói rằng đất nước của họ và toàn bộ khối này không muốn tham chiến với Nga. Nhưng mọi người đều nhận thức rõ rằng sự việc hoàn toàn khác”, ông Medvedev kết luận.
 
Bình luận của ông Medvedev được đưa ra sau khi xuất hiện thông tin rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hoàn tất kế hoạch gửi hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại Patriot, sau khi Kiev đề nghị được viện trợ các hệ thống phòng không tiên tiến này suốt nhiều tháng qua, nhằm chống lại các vụ tấn công liên tiếp vào các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng từ phía Nga.
 
Các quan chức Mỹ được hãng tin CNN dẫn nguồn cho biết sau khi kế hoạch được chốt, hệ thống tên lửa Patriot dự kiến sẽ nhanh chóng được chuyển giao và binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện cách sử dụng chúng tại một căn cứ của Mỹ ở Grafenwoehr, Đức.
 
Hoàng Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *