Thích Nhất Hạnh với chuyện ở Tu viện Bát Nhã

Người xem: 127

Khoai@
 
Liên quan đến ông Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, báo chí đăng rùm beng, nhưng đa số đã không biết ông này là ai, đã từng vu cáo nhà nước Việt Nam “đàn áp tôn giáo” như thế nào. Dù thế nào đi nữa, ông cũng là người Việt, mà người Việt thường nói “Nghĩa tử là nghĩa tận”, trên tinh thần đó, xin R.I.P ông.
 

Trở lại vấn đề, sáng nay một số báo, ví dụ như Tạp Chí Người Đô Thị của TPHCM nói rằng, Thích Nhất Hạnh sáng lập ra tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc vào năm 2005 là không đúng. Thực tế, Thích Nhất Hạnh chỉ lập ra Đạo Tràng Mai Thôn tại Pháp vào năm 1982, sau này đổi tên thành Pháp môn Làng Mai. Sau ba lần Thích Nhất Hạnh về Việt Nam vào năm 2005, 2007 và 2008 thì có khoảng gần 400 người ở Lâm Đồng theo Pháp môn Làng Mai. Những người này được Thích Nhất Hạnh gửi nhờ ở Tu viện Bát Nhã dưới sự bảo lãnh của  Thượng tọa Thích Đức Nghi – Viện chủ Tu viện Bát Nhã ở thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

 
Tuy nhiên, sau khi “ở nhờ”, số người thuộc Làng Mai bắt đầu thôn tính Tu viện Bát Nhã và tìm cách đẩy đuổi các môn sinh tại đây, buộc chính quyền phải vào cuộc. Từ đây, Thích Nhất Hạnh đã có nhiều phát biểu trên BBC, RFA, VOA rằng, “chính quyền can thiệp vào công việc nội bộ của nhà tu” và rằng, công an “đán áp tôn giáo”. Lời phát biểu của Thích Nhất Hạnh khơi mào cho hàng trăm trang mạng phản động lợi dụng tấn công nhà nước Việt Nam. 
 
Dưới đây là 2 bài viết trên CAND, mình gộp lại giới thiệu cùng bạn bè để có cách nhìn đa chiều về nhân vật này.
 
Bài 1: Sự việc tại Tu viện Bát Nhã là công việc nội bộ của Giáo hội Phật giáo
 
Đại diện của UBND tỉnh Lâm Đồng và Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định, đây là công việc nội bộ của Giáo hội Phật giáo và những gì xảy ra là xuất phát từ mâu thuẫn giữa pháp môn Làng Mai với tăng hữu của Tu viện Bát Nhã. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đứng đầu pháp môn Làng Mai cũng có trách nhiệm không nhỏ về vụ việc này.
 
Trước những thông tin trái chiều về sự việc tại Tu viện Bát Nhã có liên quan đến những người tu theo pháp môn Làng Mai, chiều 11/1, UBND tỉnh Lâm Đồng và Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức họp báo thông báo chính thức về vụ việc và giải đáp những câu hỏi của phóng viên báo chí.
 
Từ sự xuất hiện của pháp môn Làng Mai
 
Theo thông tin do ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, sau khi sang Pháp du học, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa ra một pháp môn mới là pháp môn thiền theo lối hiện đại rồi phát triển pháp môn này ở Pháp và một số nước trên thế giới. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã về Việt Nam 3 lần vào năm 2005, 2007 và 2008. Cho đến nay, hơn 400 người Việt Nam theo pháp môn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, trong đó tập trung nhiều ở Lâm Đồng.
 
Dưới sự bảo lãnh của Thượng tọa Thích Đức Nghi – Viện chủ Tu viện Bát Nhã (thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), những người Việt Nam theo pháp môn Làng Mai đã tu tập tại tu viện này. Thượng tọa Thích Đức Nghi đã có văn thư đề ngày 4/5/2006 gửi lên Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc này.
 
Cùng năm đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Văn thư số 212 ngày 25/5/2006 chính thức chấp thuận việc Thượng tọa Thích Đức Nghi bảo lãnh những người này. Văn thư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ là tu theo những khóa tu ngắn ngày và mỗi lần tu phải xin phép theo quy định.
 
Mọi việc sẽ không có gì đáng nói nếu không xảy ra mâu thuẫn giữa những người tu theo pháp môn Làng Mai và các vị tăng ni của Tu viện Bát Nhã. Đầu tiên là do pháp môn tu khác nhau giữa hai cách tu của Bát Nhã và Làng Mai, một bên tu theo lối truyền thống và một bên tu theo lối cộng tu. Tiếp đó, những người tu theo pháp môn Làng Mai không tuân theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà cụ thể là Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 
Theo truyền thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những người tu dưới 18 tuổi phải có người bảo lãnh và được sự chấp thuận của gia đình. Nhưng những người tu theo pháp môn Làng Mai đa số dưới 18 tuổi và chưa đảm bảo đủ những yêu cầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thứ ba là việc Làng Mai đã can thiệp vào công việc nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bằng việc bổ nhiệm một vị vào vị trí Phó chủ viện Tu viện Bát Nhã, tấn phong giáo phẩm cho 1 vị từ Thượng tọa lên Hòa thượng mà không có ý kiến của Viện chủ tu viện Bát Nhã và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cuối cùng là sự tranh chấp về tài chính, tài sản giữa hai bên.
 
Đây là 4 nguyên nhân chính từ nội bộ tôn giáo dẫn đến mâu thuẫn giữa Làng Mai và những người ở Tu viện Bát Nhã.
 
Liên quan đến vấn đề pháp luật, Nhà nước Việt Nam đã có pháp lệnh tôn giáo và nghị định hướng dẫn thi hành. Theo đó, những người tu theo pháp môn Làng Mai có những vi phạm như việc không khai báo tạm vắng, tạm trú, không kê khai sinh hoạt tôn giáo đối với chính quyền sở tại.
 
Đến những xô xát trong nội bộ
 
Ngày 1/9/2008, Thượng tọa Thích Đức Nghi đã có đơn không bảo lãnh cho những người tu theo pháp môn Làng Mai ở lại Tu viện Bát Nhã. Sau đó, thể theo nguyện vọng của Thượng tọa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Văn thư số 037/HĐTSTW đề nghị những người tu theo pháp môn Làng Mai thôi không tập trung tu tập tại Tu viện Bát Nhã mà về các chùa thuộc địa phương nơi có hộ khẩu thường trú để tu học. Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đồng ý với hướng giải quyết của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và có Công văn số 1329/TGCP-PG. Như vậy, xét theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật, những người tu theo pháp môn Làng Mai không đủ tư cách để tu tập tại Tu viện Bát Nhã.
 
Tuy nhiên, những người tu theo pháp môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã đã không thực hiện đúng yêu cầu trên. Vì vậy, ngày 27/6/2009, cuộc xô xát đầu tiên đã xảy ra giữa một số tăng, phật tử của Tu viện Bát Nhã với số người tu theo pháp môn Làng Mai. Nhiều lần Thượng tọa Thích Đức Nghi yêu cầu số người tu theo pháp môn Làng Mai rời khỏi Bát Nhã nhưng họ vẫn tiếp tục ở lại, gây trở ngại cho sinh hoạt tôn giáo của tu viện. Từ đó dẫn đến mâu thuẫn giữa các vị tăng và phật tử Tu viện Bát Nhã với những người tu theo pháp môn Làng Mai. Vì bực tức trước việc những người tu theo pháp môn Làng Mai không rời khỏi tu viện Bát Nhã, vào ngày 27/9/2009, một số phật tử thuộc Tu viện Bát Nhã lại tập trung tại tu viện, yêu cầu những người tu theo pháp môn Làng Mai ra khỏi tu viện.
 
Đến sáng 28/9/2009, 194 người tu theo pháp môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã đã rời khỏi tu viện đến ở tạm tại chùa Phước Huệ (thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng). Một số người khác đã trở về chùa ở địa phương hoặc về nơi tu hành trước đây. Nhưng chùa Phước Huệ không thể chứa được nhiều người nên những mâu thuẫn tiềm tàng lại dẫn đến xung đột tiếp theo. Đến ngày 30/12/2009, số người tu theo pháp môn Làng Mai cũng tự động rời khỏi chùa Phước Huệ.
 
Và cách giải quyết hợp tình của Giáo hội
 
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Ngọc Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, với quan điểm đây là mâu thuẫn nội bộ giữa tăng ni và phật tử thuộc Tu viện Bát Nhã và số người tu theo pháp môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã, chính quyền địa phương không can thiệp mà để Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng Ban Trị sự Phật giáo địa phương giải quyết.
 
Chính quyền địa phương chỉ có biện pháp đảm bảo an toàn tài sản, thân thể cho những người tu theo pháp môn Làng Mai, đồng thời vận động, thuyết phục yêu cầu những người tu theo pháp môn Làng Mai, trước hết phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, hoạt động tôn giáo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để những người tu theo pháp môn Làng Mai đang ở tại Lâm Đồng trở về các chùa tại địa phương, nơi có hộ khẩu thường trú và chùa cũ để tiếp tục tu học.
 
Việc những người tu theo pháp môn Làng Mai tại Việt Nam sẽ được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ động giải quyết theo đúng quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được pháp luật Việt Nam công nhận.
 
Chưa hết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã liên hệ với những người lãnh đạo Làng Mai mà cụ thể là Thiền sư Thích Nhất Hạnh để tổ chức đối thoại, tìm hướng giải quyết để tránh những tình huống xấu có thể xảy ra. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Paris (Pháp) tìm mọi cách liên hệ với tăng thân Làng Mai để tổ chức các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi. Tuy nhiên, phía Làng Mai đều từ chối.
 
Thậm chí, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn – Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã chủ động thông tin với Làng Mai trước một tháng về chuyến công du một số nước Tây Âu, và ngỏ ý được gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh để bàn bạc giải quyết việc những người tu theo pháp môn Làng Mai tại Lâm Đồng. Song, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từ chối không gặp với lý do đã có chương trình sang Mỹ hoạt động tôn giáo. Trong khi đó, Làng Mai còn có những thông tin sai lệch, thiếu thiện chí về vấn đề những người tu theo pháp môn Làng Mai tại Tu viện Bát Nhã.
 
Rõ ràng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Nhà nước Việt Nam đã có nỗ lực rất lớn để giải tỏa mọi mâu thuẫn và mong muốn một sự trợ giúp, thiện chí từ phía Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh và những người lãnh đạo Làng Mai đã không đáp ứng yêu cầu này. Chính sự bất hợp tác của Làng Mai cùng những lời kích động tăng ni, phật tử đã khiến vụ việc trở nên nghiêm trọng hơn và gây hiểu lầm về vụ việc ở Bát Nhã. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Xuân vẫn khẳng định rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn để ngỏ cơ hội đối thoại và hợp tác với Làng Mai
 
Huyền Chi
 
Bài 2: Sự thật về Tu viện Bát Nhã (tiếp theo và hết)
 
Như chúng tôi đã nói trong bài trước, sau khi được phép của Nhà nước và GHPGVN, tu sinh nhiều nơi đổ về Tu viện Bát Nhã, tu tập theo Pháp môn Làng Mai. Thế nhưng, dựa vào những lời tuyên bố của Sư ông Thích Nhất Hạnh: “Pháp môn Làng Mai là một giáo hội độc lập với GHPGVN, việc nội bộ của Làng Mai không thuộc thẩm quyền của Nhà nước và GHPGVN”, nên một số tu sinh Pháp môn Làng Mai – chủ yếu là những người trẻ tuổi, thường biểu lộ thái độ ngông nghênh, coi thường tăng, ni, phật tử Tu viện Bát Nhã.
 
Công bằng mà nói, một số tăng, ni, phật tử Tu Viện Bát Nhã – cũng là những người trẻ tuổi, công phu tu hành chưa lâu, đã không chịu được những thái độ này. Từ việc tranh luận với nhau bằng lời nói, do cả hai bên đều thiếu kiềm chế nên đã dẫn đến xô xát. Một cán bộ lãnh đạo Công an thị xã Bảo Lộc, cho biết: “Công an hoàn toàn không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhà chùa, cũng như không hề có việc đàn áp tu sinh. Nhiệm vụ của chúng tôi là ngăn chặn kịp thời những vụ va chạm giữa hai bên, không để tình hình thêm phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự”.
 
Trước những sự việc ấy, Thượng tọa Thích Đức Nghi thôi không bảo lãnh cho tăng sinh Pháp môn Làng Mai tu tập tại Tu viện Bát Nhã, mà một trong những nguyên nhân, là: “Khi Pháp môn Làng Mai được tổ chức, các Giáo thọ được cử từ Pháp về, và thay đổi liên tục. Các Giáo thọ này không tuân thủ những quy định của pháp luật và Hiến chương GHPGVN. Lý do được các Giáo thọ đưa ra là Pháp môn Làng Mai không dính dáng gì đến GHPGVN và Nhà nước”.
 
Việc Thượng tọa Thích Đức Nghi thôi không bảo lãnh cho tăng sinh Pháp môn Làng Mai tu tập tại Tu viện Bát Nhã đã khiến cho những phần tử cực đoan trong Làng Mai khó chịu. Lập tức, họ tung lên mạng Internet những luận điệu sai trái, bịa đặt. Thậm chí họ còn cho rằng “Tu viện Bát Nhã dựng chuyện để chiếm đoạt tài sản hàng tỉ đồng của Pháp môn Làng Mai”. Tuy nhiên, nếu nhìn lại những sự kiện đã xảy ra, nhất là năm 2006, lúc Thượng tọa Thích Đức Nghi cùng đoàn tăng, ni Tu viện Bát Nhã sang Pháp. Trước khi trở về Việt Nam, đoàn của Thượng tọa Thích Đức Nghi đã thưa với Sư ông Thích Nhất Hạnh, là: “Hòa thượng không nên nêu ra những quan điểm chính trị vì như thế sẽ rất khó cho chúng con”. Nghe xong, Sư cô Chân Không, bảo: “Sư ông (tức Thích Nhất Hạnh) rời Việt Nam hơn 40 năm để làm chính trị”.
 
Theo lời Thượng tọa Thích Đức Nghi trong buổi họp liên tịch giải quyết vấn đề Bát Nhã vào ngày 19/11/2008, thì: “Hòa thượng Thích Nhất Hạnh không chấp nhận việc trình bày của đoàn. Năm 2007, Hòa thượng Thích Nhất Hạnh về Việt Nam lần thứ hai. Khi Hòa thượng ở chùa Từ Hiếu và chùa Diệu Nghiêm – Huế, chúng tôi có thưa với Hòa thượng về những việc làm chưa phù hợp của Pháp môn Làng Mai so với truyền thống Phật giáo Việt Nam. Trước khi về Việt Nam, hằng năm Làng Mai đều cử người học tập truyền thống, nay Hòa thượng về thì thay đổi hết. Chúng tôi có đề nghị Hòa thượng nhập gia thì nên tùy tục, nếu các Giáo thọ Làng Mai cứ thay đổi liên tục như thế thì rất khó cho chúng tôi, nhưng Sư ông Thích Nhất Hạnh không chấp thuận lời đề nghị này…”.
 
Để giải quyết, ngày 19/11/2008, Hội đồng Trị sự GHPGVN đã tổ chức một buổi họp gồm 7 hòa thượng trong Trung ương Giáo hội, 8 hòa thượng, thượng tọa thuộc Ban trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng, đại diện Tu viện Bát Nhã và các ngành hữu quan.
 
Buổi họp kết luận GHPGVN chưa công nhận hoạt động của Giáo hội Làng Mai tại Việt Nam, chỉ thừa nhận Các lớp tu học theo Pháp môn Làng Mai. Thời hạn của từng lớp tu là 3 tháng, hết hạn phải xin phép lại. Trường hợp tu sinh có đăng ký hợp pháp, tạm thời cho ở lại tu học để chờ bố trí đến nơi tu mới. Với những ai chưa đăng ký hoặc đã đăng ký mà hết hạn, nhưng có thiện tâm, quyết chí tu học thì cần được giúp đỡ cho phép đăng ký tạm trú và cũng chờ thời gian di chuyển đến nơi tu mới. Trường hợp gây bất ổn, vi phạm pháp luật thì phải đưa ra ngay. Với các vị Giáo thọ có quốc tịch nước ngoài, thì thực hiện theo những quy định của pháp luật.
 
Mặc dù với những biện pháp giải quyết có tình, có lý như thế, nhưng mâu thuẫn giữa tu sinh Pháp môn Làng Mai và tăng, ni, phật tử Tu viện Bát Nhã vẫn ngấm ngầm, mà nguyên nhân phần lớn là do sự xuyên tạc, kích động của các thế lực phản động ở nước ngoài, cùng những thông tin sai lệch, ngụy tạo, bịa đặt của một số cá nhân trong nước, cố tình biến vụ tranh chấp nội bộ giữa Pháp môn Làng Mai và Tu viện Bát Nhã, thành “chính quyền đàn áp tôn giáo”.
 
Ngày 27/9/2009, mâu thuẫn giữa tăng, ni Tu viện Bát Nhã và tu sinh Pháp môn Làng Mai một lần nữa lại bộc phát. Chán ngán trước những chuyện này, nhiều tu sinh tu tập theo Pháp môn Làng Mai đã tự động bỏ về địa phương – nơi cư trú cũ. Số còn lại – khoảng gần 200 người sang chùa Phước Huệ. Mặc dù Thượng tọa Thích Đức Nghi đã chính thức gửi đơn đến chính quyền các cấp và GHPGVN, xin rút lại lời đề nghị cho Pháp môn Làng Mai hoạt động tại Tu viện Bát Nhã, đồng thời tuyên bố không tiếp tục bảo lãnh cho số Giáo thọ và tu sinh Làng Mai, nhưng các Giáo thọ cùng một số tu sinh vẫn cố bám trụ, sinh hoạt, phớt lờ những quy định về an ninh trật tự của địa phương, liên tục tung lên mạng Internet những thông tin sai lệch, xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, kích động dư luận trong, ngoài nước ủng hộ họ.
 
Bên ngoài, những kẻ cơ hội nhanh chóng lập ra những trang web, chẳng hạn như “pháp nạn Bát Nhã” “Phương bối”, làm diễn đàn để “trong tung, ngoài hứng”, thí dụ như: “…rất nhiều côn đồ vào đập phá, đánh tăng, ni sinh, ép buộc toàn bộ tăng, ni sinh ra khỏi cư xá…”, hoặc: “…những hành động của Thượng tọa Thích Đức Nghi có sự bao che của chính quyền. Công an xuất hiện ngày càng đông, đánh trọng thương tu sinh, bóp cổ, đẩy lên xe…”. Một số cá nhân trong nước, chưa hiểu rõ tình hình, đã vội vã ký “thỉnh nguyện thư”, viết “thư ngỏ” khiến vấn đề càng thêm phức tạp.
 
Đặc biệt hơn nữa, ngày 30/9/2009, trên các trang web cực đoan, phản động, đã cho đăng tải một văn bản, gọi là “huyết thư”, sử dụng danh nghĩa “nhóm tăng, ni trẻ Lâm Đồng”, đe dọa sẽ “tử vì đạo” nếu chính quyền không giải quyết 4 kiến nghị.
 
4 kiến nghị ấy là gì? Xin thưa, chỉ cần đọc qua cũng có thể thấy 2 trong số 4 kiến nghị, là những yêu sách mà bất cứ một công dân nào, dù ở trong quốc gia nào, cũng không thể chấp nhận được. Họ kiến nghị: “Tuyệt đối không được động đến tu sinh Làng Mai dưới bất cứ hình thức nào”, và “Không được cưỡng chế, hăm dọa, cản trở và tác động từ bên ngoài đến các tu sinh Làng Mai”.
 
Ô hay, hóa ra nếu tu sinh Làng Mai và tăng, ni, phật tử Bát Nhã có xảy ra đấm đá, đâm chém, thì chính quyền, luật pháp cũng “tuyệt đối không được động đến” hay sao? Và “bên ngoài” tuyên truyền, xúi giục, kích động tu sinh Làng Mai biểu tình chống đối, thậm chí “tử vì đạo” như “huyết thư” đã nói, thì chính quyền, luật pháp cũng không được “cản trở, tác động” hay sao? Đạo Phật dạy con người phải từ bi hỉ xả, mà sao các vị thuộc “nhóm tăng, ni trẻ Lâm Đồng”, lại máu chiến đến thế!
 
Trong suốt 2 ngày ở thị xã Bảo Lộc, chúng tôi đã gặp gỡ nhiều người, nhiều giới, để tìm hiểu thông tin về “những nhóm côn đồ và hàng trăm công an đàn áp tu sinh Pháp môn Làng Mai”. Thị xã Bảo Lộc bé như lòng bàn tay, chạy xe gắn máy chỉ 15 phút là đã “trở về chốn cũ” thì sự xuất hiện của “những nhóm côn đồ” và “hàng trăm công an” làm sao có thể che được mắt nhân dân.
 
Bà Trần Thị Bích, nhà ở gần Tu viện Bát Nhã, cho biết: “Tôi chỉ thấy họ – nghĩa là tăng, ni, phật tử, tu sinh – đánh nhau, chứ có người lạ nào đâu”. Một cán bộ thuộc Mặt trận Tổ quốc thị xã Bảo Lộc, nói: “Nếu có cả trăm công an thì họ ăn ở đâu, ngủ ở đâu vì trụ sở của các cơ quan chính quyền tại đây, cái nào cũng bé tí. Hơn nữa, về đêm Bảo Lộc rất lạnh, lấy đâu ra hàng trăm tấm nệm, hàng trăm cái mền?”.
 
Hỏi thăm các khách sạn, nhân viên tiếp tân cho biết trong các ngày từ 20 đến 30/9/2009, mỗi ngày chỉ rải rác vài ba người đến thuê mướn phòng, và cũng chỉ ở qua một đêm rồi hôm sau, họ đi Đà Lạt hoặc về TP HCM. Mấy ông xe ôm ngồi chờ khách ở gần tiệm trà Tâm Châu, cười: “Nói thiệt với nhà báo, không biết Cảnh sát Hình sự – Công an thị xã Bảo Lộc rành về mấy đứa xã hội đen ở đây thế nào, chứ tụi tui biết hết. Loe ngoe chỉ có vài thằng con nít, lâu lâu tụ tập đua xe, nẹt pô, thỉnh thoảng cũng đánh lộn đánh lạo chứ làm gì có những nhóm côn đồ”.
 
Một ông xe ôm khác, nói: “Thiệt ra thì người dân sống gần Tu viện Bát Nhã cũng bức xúc. Nhà báo cứ nghĩ coi, vườn trà của người ta mất bao công sức chăm bón, rồi mấy vị ở chùa cãi nhau, rượt đuổi nhau, thậm chí đánh nhau, làm hư hỏng cây cối của họ thì họ đuổi là đúng rồi”.
 
Tôi hỏi: “Nghe nói có cái vụ ném phân gì đó…”. Ông xe ôm trả lời: “Phân đó là phân vi sinh, họ mang đi bón cho gốc trà. Đuổi bằng lời nói không được, họ tức, họ bốc, họ ném”. Xem lại những video clip “Công an, côn đồ đàn áp tăng sinh Làng Mai” đã được tung lên mạng Internet, chúng tôi thấy lời nói của ông xe ôm không sai. Cái gọi là “những nhóm côn đồ” thực chất hầu hết chỉ là những phụ nữ – nông dân – căn cứ vào cách ăn mặc của họ.
 
Một điều trùng hợp là ngay khi những nông dân ấy, đuổi số tu sinh đang đánh nhau ra khỏi đất của họ, thì cũng là lúc một đoàn tăng, ni, phật tử hơn 100 người, từ TP HCM đến Tu viện Bát Nhã để cúng dường, nên cũng bị… vạ lây! Nghe được tin báo, Công an thị xã Bảo Lộc đã có mặt để vãn hồi trật tự nhưng trên mạng Internet, những kẻ cực đoan đã biến nó thành “pháp nạn”.
 
Ngày 19/10/2009, Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN đã có công văn, thông báo “Kết luận về vấn đề Tu viện Bát Nhã, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng của Ban thường trực, Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN”, trong đó kết luận 6 vấn đề về việc xử lý nội tình của Tu viện Bát Nhã, khẳng định: “Chưa công nhận hoạt động của Giáo hội Làng Mai, chỉ thừa nhận Các lớp tu học theo Pháp môn Làng Mai”, và đề nghị Thượng tọa Thích Đức Nghi tìm hướng giải quyết theo pháp luật hiện hành.
 
Theo ông Trương Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thì: “Đây là tranh chấp nội bộ. Chính quyền địa phương đã giữ an ninh, không để xảy ra xô xát, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản công dân tại Tu viện Bát Nhã”. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng vận động, thuyết phục cả hai bên – phật tử, tăng, ni Tu viện Bát Nhã và tu sinh Pháp môn Làng Mai không được xúc phạm đến nhân phẩm, thân thể lẫn nhau, đồng thời yêu cầu các tu sinh Pháp môn Làng Mai tuân thủ luật pháp Việt Nam, hoạt động theo đúng Hiến chương GHPGVN.
 
Xuyên suốt tất cả những gì đã xảy ra, có thể thấy vụ việc Tu viện Bát Nhã chỉ là mâu thuẫn nội bộ giữa những tăng, ni phật tử tại Tu viện Bát Nhã và các tu sinh tu tập theo Pháp môn Làng Mai, và hoàn toàn không có cái gọi là “chính quyền ép buộc những người tu theo Pháp môn Làng Mai phải rời khỏi Tu viện Bát Nhã”. Giải quyết vần đề Bát Nhã, vai trò chính vẫn là lãnh đạo Tu viện và Pháp môn Làng Mai trên tinh thần thượng tôn luật pháp, đúng đường lối Hiến chương GHPGVN
 
Nhóm PV Thời sự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *