Vắc xin ngừa Covid-19 VABIOTECH

Người xem: 162

Có rất nhiều thói quen nhờ thích nghi, hoặc bị áp đặt bằng biến cố bất ngờ nào đó, rồi dần dần trở thành một điều bình thường trong cuộc sống. Người Nhật mới chỉ ăn thịt trong chưa đầy 200 năm, vì giới quân phiệt khi đó muốn binh sĩ khoẻ mạnh và hung bạo, hay chúng ta mới bị soát hành lý, kiểm tra chặt chẽ trước khi lên máy bay từ cách đây 20 năm, kể từ khi sự kiện 11/9 tại Mỹ xảy ra.
 
Đại dịch lần này đã khiến nhiều việc như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, làm việc, học tập từ xa… dần trở thành thói quen thường nhật, và trong thời gian tới, rất có thể chúng ta sẽ phải làm quen với một điều bình thường khác nữa, đó là tiêm chủng định kỳ chống Cô Vy.
 

Dù tác dụng của vắc xin trong ngăn chặn F0 trở nặng và tử vong đã được chứng minh, nhưng một vấn đề vẫn chưa giải quyết được, đó là tác dụng của nó sẽ giảm đi theo thời gian. Điều này đến từ đặc điểm luôn biến đổi của virus cúm nói chung, và có nghĩa là, chúng ta sẽ phải chuẩn bị tinh thần tiêm nhắc lại thường xuyên, tương tự như tiêm vắc xin cúm mùa.

Với một đất nước trăm triệu dân, nếu mỗi năm nhắc lại 2 mũi, sẽ là ác mộng không chỉ về tiền bạc mà còn cả nguồn cung ứng nếu chúng ta cứ phụ thuộc như hiện nay. Dù đã đặt hàng lần đầu tiên từ cuối năm ngoái, thì tới thời điểm này, mới chỉ có hơn 110 triệu liều được tiêm trên toàn quốc, và ước tính tới giữa năm sau mới chỉ được 150 triệu liều cập cảng. Nếu không tự chủ được vắc xin, Đông Lào sẽ không đạt được mục tiêu tiêm chủng 2 mũi cho toàn dân kịp tiến độ, chứ đừng nói tới tiêm nhắc lạị cho những người miễn dịch bị suy giảm hàng năm.
 
Vào ngày 24/9, Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) – Bộ Y tế, đã chính thức công bố sản xuất thành công lô vắc xin phòng Covid-19 Sputnik V (Gam-COVID-Vac) đầu tiên tại Việt Nam. Sau hàng loạt các quy trình nghiêm ngặt, thành phẩm đã được đưa sang Nga kiểm định và đáp ứng tất cả các yêu cầu về quy chuẩn.
 
Việc tự chủ sản xuất thành công vắc xin của VABIOTECH là rất quan trọng, vì thứ nhất, Sputnik V là vắc xin cực tốt, đây là phản hồi chung của 70 quốc gia, chiếm 50% dân số thế giới, đã sử dụng nó trong tiêm chủng. Thứ hai, là với năng lực sản xuất vắc xin rất mạnh của nước ta, một khi đã nắm được công nghệ, sẽ có thể ngay lập tức đưa vào sản xuất hàng loạt không cần chạy rốt đa, mà theo thông báo của VABIOTECH, sẽ đạt năng suất 100 triệu liều/năm, cùng với lượng vắc xin đã đặt tiền sẽ về liên tục, chúng ta sẽ không còn phải lo lắng về thiếu vắc xin trong tương lai nữa.
 
Sputnik V sử dụng công nghệ véc-tơ adenovirus sử dụng trực tiếp giá thể người. Với hiệu quả dao động từ 91,7 đến 96,7% và gần như không có tác dụng phụ, đây là loại vắc xin Cô Vy đầu tiên của thế giới, và là loại duy nhất dùng 2 véc tơ khác nhau cho 2 mũi tiêm.
 
VABIOTECH hiện cũng đang thúc đẩy tiến trình nộp hồ sơ vaccine Sputnik Light tiêm 1 mũi để nhanh chóng đăng ký sớm cho vaccine này. Với thành tựu này, mỗi năm chúng ta không chỉ tiết kiệm được hàng tỉ đô nhập vắc xin, hàng chục tỉ đô thiệt hại lockdown, mà còn có thể trực tiếp xuất khẩu thu tiền tươi, biến Đông Lào thành trung tâm vắc xin cũng như sử dụng trong ngoại giao nâng cao vị thế quốc gia. 20 năm trước, chúng ta vẫn đang vẹo cổ cầm mỏ hàn, và ngày nay, nước ta đã sản xuất gần 20% smartphone của thế giới, chẳng có gì ngăn ta một lần nữa làm được điều tương tự trong ngành y sinh cả.
 
Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó, mong tới ngày Đông Lào sạch dịch rồi đóng công xuất khẩu hàng thừa tới các điểm nóng thiếu vắc xin, đem về sự biết ơn, tình bạn cũng như nhiều tỉ đô la thặng dư tài khoản vãng lai, đó mới chính là thắng lợi sau cùng vậy.
 
Quả là:
Giờ vắc xin, mà không tự chủ,
Chờ nước ngoài, thì đủ làm sao?
Nó mà chậm trễ méo giao,
Dịch bùng rồi lại lockdown anlon.
 
Nguồn: Phú Ngẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *