Về clip Bác sĩ Đỗ Kim Quế ở Chốt kiểm soát

Người xem: 104

Khoai@
 

Tối qua 1/9/2021, Fb Thanh Duy đăng tải 1 clip Bs Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất SG, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến đang trên đường đến Bệnh viện để cấp cứu bệnh nhân cự cãi, lớn tiếng với tổ công tác trên đường, khiến dư luận tranh cãi.

Trên mạng, dã có nhiều ý kiến trái chiều. Ngoại trừ ý kiến một số thành phần cực đoan, hay của một số thành phần bất mãn, hằn học với công an với chế độ thì đa số, trong đó có cả những người thuộc ngành y, chê trách Bs Đỗ Kim Quế.

Là người đọc và xem clip của Fb Thanh Duy tôi thấy thế này.

1. Về status của Thanh Duy.
 
Trích nguyên văn từ Fb Thanh Duy: 
 
“Bác sĩ Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất SG, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến đang trên đường đến Bệnh viện để cấp cứu bệnh nhân. Khi qua trạm kiểm soát dịch, ông đã xuất trình thẻ cán bộ Y tế nhưng vẫn bị làm khó dễ, họ mời ông vô làm việc nhưng ông từ chối, vì ông cho rằng như thế sẽ có nguy cơ lây bệnh. Theo tôi được biết thì cán bộ Y tế tham gia chống dịch chỉ cần xuất trình thẻ khi qua trạm”.
 
Về cơ bản status này khách quan, tuy nhiên, vài chi tiết có vẻ không chắc chắn và có tính định hướng dư luận.
 
Sự không chắc chắn và cố ý định hướng dư luận thể hiện ở chỗ Thanh Duy cho rằng trạm kiểm soát dịch “làm khó dễ” cho ông Quế. [Đoạn này tôi đã chỉnh sửa, cắt bớt về cuối vì nhận được sự góp ý đúng đắn của bạn đọc]
 
2. Về thái độ của Bs Đỗ Kim Quế
 
Theo tôi, Bs có thái độ thiếu chuẩn mực với tổ kiểm soát và có dấu hiệu cậy quyền, cậy nghề để qua mặt lực lượng kiểm soát. Nghe lời ông Quế nói, ai cũng có thể dễ dàng nhận ra sự phách lối, trịch thượng, coi thường người khác của ông.
 

Văn minh, đàng hoàng là phải xuống xe, xuất trình CCCD theo yêu cầu. Đây không đơn giản là phép lịch sự, nhân cách văn minh mà còn là yêu cầu của pháp luật. 

Đừng nói rằng “tôi đi cấp cứu” khi mà người kiểm soát không biết ông ông là Bác sĩ thật hay Bác sĩ rởm, có đi cấp cứu thật hay không. Một cán bộ kiểm soát không thể biết ông là ai nếu ông chỉ giơ cái thẻ đeo ngực đó ra như trong clip. Vì ông thừa biết, cái thẻ đó người ta có thể làm giả được dễ dàng hoặc mượn của nhau dễ dàng. Tôi tin, ông xuống xe, xuất trình giấy tờ đi đường  hợp pháp, ông sẽ nhận được sự ủng hộ của tổ kiểm soát ngay lập tức.

Nếu ông là thành viên tổ kiểm soát thì sao?
 
Nhiệm vụ của tổ kiểm soát được giao là kiểm soát chặt chẽ theo quy định của Thành phố vì thế không chỉ nghe đến cái danh Bs Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP HCM và hiện đang là Giám đốc Bệnh viện Dã chiến là họ cho ông qua ngay. Cán bộ kiểm soát sẽ phải kiểm tra sự đồng nhất giữa các loại giấy tờ mà ông mang theo, so sánh thông tin ông cung cấp với thực tế và xác định được ông chính là Bs Đỗ Kim Quế, ông được phép ra đường, ông đúng là đi cấp cứu,… thì mới cho qua.
 
Giả sử, một ai đó đóng giả là ông, ngồi trên xe đó, nói như ông nói… mà họ cho qua chốt thì sao? Nếu vậy thì các nhân viện trạm kiểm soát đã không hoàn thành nhiệm vụ, đúng không? Họ sẽ bị kỷ luật, sẽ lên mặt báo…. Và ngộ nhỡ người đóng giả ông dương tính với SarCov2 thì sao? Trong trường hợp này, xã hội lãnh đủ, sẽ nhiều người dân bị lây nhiễm và bản thân cán bộ đã cho ông qua trạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự…. Nói ra để ông Bs Đỗ Kim Quế “thông cảm” cho họ. Họ cũng như ông, chỉ là thực thi yêu cầu của pháp luật, và cũng nhằm cứu chữa cho dân mà thôi.
 

Câu hỏi đặt ra là: “Gây khó cho ông thì họ được gì”? 

Câu trả lời là “Không được gì cả”. Nói như thế để thấy họ chỉ thực thi nhiệm vụ thôi, ông Đỗ Kim Quế ạ.

Còn nữa, trong clip, khi được anh em mời ra làm việc ông Đỗ Kim Quế nói: “Tôi không đi đâu cả, tôi đi ra lây bệnh”. Đây là câu nóng giận mất khôn. Về chuyên môn thì ông sai toét. Nếu ai xuống xe làm việc với các chốt kiểm soát cũng đều bị lây bệnh như ông nói thì ông cần xem lại chuyên môn của mình đi. Trong phạm vi entry này, tôi không bàn đến chuyên môn đó, nhưng sẽ đề cập ở entry sau.
 
3. Về thái độ của tổ công tác
 
Một cách khách quan nhất, khi xem clip tôi cho rằng tổ công tác không sai khi thực thi nhiệm vụ của mình. Rất nền nã, không to tiếng, có trách nhiệm. Nếu ai xem clip, chỉ cho tôi cái sai của tổ công tác, xin comment vào bài, và tôi sẽ bổ sung vào bài viết. 
 

4. Bs Quế có cần phải xuất trình Giấy đi đường không?

[Đoạn này tôi đã chỉnh sửa lại khi nhận được phản hồi từ bạn đọc và được cung cấp thêm văn bản của UBND TP HCM].

Cách đây 2 hôm, khi viết bài này, tôi không biết có văn bản số 2850 của UBND TP HCM về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, ký ngày 23/8/2021 mà chỉ biết có công văn số 2718/UBND-VX ngày 15/8 nên đã lầm tưởng BS Đỗ Kim Quế thuộc diện phải có Giấy đi đường. Từ đây, tôi đã kết luận Bs Quế đã sai về mặt hành chính. Đó là một kết luận sai, tôi thành thật xin lỗi BS Đỗ Kim Quế và bạn đọc.
 

Thật may, sau khi bài đăng được 1 ngày, vào tối nay 4/9, tôi nhận được một số bình luận, trong đó có Fb Đỗ Hạnh cung cấp cho tôi văn bản số 2850 của UBND TP HCM về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, ký ngày 23/8/2021. Theo đó, các nhóm đối tượng được phép ra đường vẫn áp dụng theo 117 nhóm đã quy định tại phụ lục đính kèm công văn số 2800 của UBND ngày 22/8 và bác sĩ thuộc nhóm đối tượng ưu tiên và không yêu cầu phải có giấy đi đường khi qua chốt mà chỉ cần “có thẻ ngành y tế hoặc giấy đi đường do sở y tế, thủ trưởng các cơ sở y tế được thành lập theo quy định của pháp luật.”. 

Như vậy Bs Đỗ Kim Quế thuộc diện không phải xuất trình giấy đi đường, nhưng vẫn phải xuất trình thẻ y tế do Sở y tế hoặc thủ trưởng cơ sở y tế nơi BS Quế làm việc cấp. 

Đến đây có thể nhận định, các cán bộ trực chốt không sai về thái độ, nhưng lại không nắm vững quy định của UBND Thành phố. Còn Bs Đỗ Kim Quế vẫn sai về cách ứng xử và chuyên môn. Lẽ ra, BS nên xuống xe, xuất trình thẻ để nhân viên chốt kiểm tra thật giả và xác định đúng là BS Đỗ Kim Quế để mời Bs đi tiếp. 

Tôi nghĩ công việc xuống xe xuất trình giấy tờ không tốn thời gian, lại thể hiện được cách ứng xử văn minh và nếu cán bộ chốt nắm vững các quy định thì sẽ không có bất kỳ rắc rối nào.

Xin cảm ơn bạn Fb Đỗ Hạnh đã cung cấp văn bản để người viết chỉnh sửa lại bài viết cho chính xác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *