Lý – tình và lòng tốt

Người xem: 305

@Gia Tưởng
 
Đầy tự trọng và bản lĩnh, cậu học sinh 10 năm cõng bạn đi học đã lên tiếng rằng em không muốn được đặc cách. Hiếu cõng Minh trên vai với niềm vui của riêng mình. Nếu chọn sự giúp đỡ để vào Đại học Y Hà Nội là em phải cõng niềm vui của người khác trên lưng, phải sống cho người khác xem và xem người khác sống.
 
Câu chuyện Ngô Minh Hiếu, nguyện làm đôi chân cho bạn mình là Nguyễn Tất Minh hai em ở xóm 1 xã Đồng Thắng huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa bị thiếu 0,25 điểm đậu Đại học Y Hà Nội đã làm lay động toàn xã hội. Nhiều người tiếc cho Hiếu và muốn trường Đại học Y Hà Nội trao cho chàng trai nhân hậu này một suất đặc cách để em được thỏa lòng ước mơ, kết thúc một câu chuyện cổ tích đẹp.
 
Nhưng trường đã chọn sự công bằng với tất cả các thí sinh. Tất cả phải dựa trên quy chế tuyển sinh, lý tình cùng lòng tốt phải song hành với nhau, thì xã hội mới vận hành một cách tốt đẹp và đúng chuẩn mực. 
 
Cộng đồng mạng tranh luận và tiếc nuối cho Ngô Minh Hiếu nhưng có lẽ không nên trách Đại học Y cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo vì không đặc cách cho em. Chúng ta không nên mang tiêu chuẩn kép, ưu tiên cho Hiếu, mà cái giá của nó là tước bỏ đi sự công bằng cần có với nhiều thí sinh chỉ thiếu đến 0,05 điểm.
 
Hiếu đủ điểm vào Đại học Y Thái Bình, trường quyết định miễn học phí cho em và em quyết định sẽ nộp hồ sơ ở đó. Minh – người bạn tật nguyền của em, đậu Đại học Bách Khoa Hà Nội, được bệnh viện Bạch Mai cam kết hỗ trợ y tế lâu dài. Đó là cái kết hợp lý, hợp tình, trọn vẹn cho tất cả.
 
Đại học Y Hà Nội luôn nổi tiếng là trường lấy điểm cao. Đó là nơi sẽ đào tạo ra những người cứu chữa sức khoẻ, tính mạng của con người, nên tài năng là điều không cần phải bàn. Hạ điểm để “vớt” Hiếu cũng đồng nghĩa với một bạn khác đủ điểm đỗ nhưng mất đi cơ hội. Đó là sự không công bằng khác đổ vỡ theo chuỗi nhận thức về lòng tốt. Chính Hiếu cũng đã từ chối việc tước đi cơ hội của người khác.

Ngô Minh Hiếu bền bỉ 10 năm cõng bạn Nguyễn Tất Minh đi học.

Em cõng Minh không phải để đợi tới ngày mình được ưu tiên khi thi đại học. Và chắc chắn, em hẳn đã lường trước được tình huống khó vượt qua được cánh cổng ngôi trường nổi tiếng điểm cao chót vót rồi.
 
Thi trượt, có ai mà không buồn chứ? Hiếu buồn là chuyện bình thường, rồi cậu sẽ vượt qua. Hãy để Hiếu và Minh sống với sự công bằng, được trải nghiệm một thất bại nho nhỏ của mình.
 
Một người đủ sức cõng bạn bao năm, vượt qua bao khó khăn thì đây cũng sẽ chỉ là bước ngoặt để khiến cậu có những bước dậm nhảy khác.
 
Hiếu là chàng trai bản lĩnh, nhân hậu và thật đáng quý, cậu học cũng khá tốt. Cánh cửa đại học Y Thái Bình đã mở ra, Hiếu được chào đón và đường hoàng bước vào ngôi trường sẽ chắp cánh để em theo đuổi ước mơ ngành Y của cuộc đời mình. Vẫn biết Đại học Y Hà Nội là một cơ sở đào tạo đầu ngành. Nhưng điểm đầu vào ở Y Thái Bình cũng đâu có thấp. 27,15 điểm là số điểm không nhiều thí sinh đạt được. 
 
Trong những năm vừa qua những cơ sở đào tạo như Đại học Y Thái Bình, Y Thái Nguyên, Y Hải Phòng… được nhìn nhận có những bước tiến vượt bậc, đang nâng cao về chất lượng chuyên môn. 
 
Hiếu được học tập ở những môi trường như vậy cũng hoàn toàn tốt. Em bước vào trường bằng chính khả năng của mình, sẽ tự tin khi thấy mình xứng đáng, để có ý chí phấn đấu cao hơn trong quá trình theo đuổi khoa học chữa bệnh, trau dồi y đức chăm sóc sức khỏe con người.
 
Theo đuổi y khoa là sự theo đuổi suốt đời, có những chuyên ngành Hiếu sẽ cần phải học tại Đại học Y Hà Nội, nếu em mong muốn và đáp ứng được tiêu chuẩn đầu vào sau này, như bác sỹ nội trú hay chuyên khoa cấp I cấp II.
 
Hiếu cõng Minh trên vai với niềm vui của riêng mình. Nhưng khi em cõng niềm vui của mọi người trên lưng, cuộc đời em có thể sẽ rẽ sang một hướng khác. Khi đó em sẽ phải sống cho người khác xem và xem người khác sống.
 
Hiếu nói: “Em rất xúc động và cảm ơn tất cả mọi người. Đặc biệt là cám ơn các thầy cô giáo đã âm thầm lo lắng cho em và có ý định gọi ra trường Đại học Y Hà Nội để xem có cách nào giúp em. Quả thực có những ý tốt của thầy cô, em không được biết hết. Nhưng dù trường Đại học Y Hà Nội có đặc cách, em cũng xin từ chối”.
 
Hiếu chưa phải là một bác sỹ, nhưng với một lòng tốt vô tư trong sáng, em đã từ chối sự xin – cho hay những thiện ý của xã hội vốn nhiều cảm tính. Có những người mong Đại học Y Hà Nội đặc cách cho em với thiện ý thực sự, nhưng có những người chỉ núp bóng thiện ý để nhằm vào những mục tiêu khác của họ. Sự hăm hở đó đã vô tình chạm đến giá trị, lòng tự trọng của những người trong cuộc.
 
Câu chuyện của Hiếu đã góp phần khẳng định lòng tốt luôn có chỗ đứng trong xã hội này, một cách bền bỉ và không gì có thể thay thế được. Và Hiếu đã góp phần chữa lành vết thương của xã hội, khi hiện tượng thi cử, chạy điểm, nâng khống bài thi, móc ngoặc trong những lá phiếu bầu vẫn diễn ra ngoài xã hội. Chúng ta phải thấy mừng khi thế hệ trẻ bây giờ còn rất nhiều người như Hiếu, luôn sống theo lí lẽ, hành động theo tình cảm và lòng tốt thì đặt đúng chỗ không so sánh thiệt hơn.
 
Ngày hôm nay câu chuyện của Hiếu và Minh có lẽ là câu chuyện đẹp nhất, gây xúc động với nhiều thành phần trong xã hội. Các em cho chúng ta hiểu thêm rằng, lý và tình cùng lòng tốt luôn phải song hành và vận hành một cách hợp lý. Không thể cảm tính mà hành động sai hay khác đi được. Có như vậy chúng ta mới xây dựng một xã hội có nền móng là niềm tin, tuân theo pháp luật và cư xử một cách nhân văn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *