Sốc phản vệ

Người xem: 115

Nhỏ giọt…
 
Nhỏ giọt…
 
Nhỏ giọt…
 
Từ chai dịch truyền, từng giọt chất lỏng màu trắng có chứa Adrenaline đi qua đường ống vào thẳng tĩnh mạch trung tâm của cháu bé đang nằm bất động trên giường cấp cứu đặc biệt.
 
Bên ngoài hành lang bệnh viện, người mẹ trẻ cũng bắt đầu nhỏ được những giọt nước mắt, rồi chị khóc òa trong nỗi tủi hận.
 
Chồng chị, một người đàn ông đứng tuổi, có nhiều trải nghiệm, giống như một vận động viên thể thao, anh nam tính và mạnh mẽ hơn tôi. Nhưng khi nghe tôi thông báo mũi thuốc kháng sinh trước đó mấy chục phút chưa thể giết chết đứa con trai 6 tuổi, thì anh đã gục ngã.
 
Người mẹ trẻ ấy cũng làm bác sĩ, chị là bạn thân của tôi. Con trai chị bị sốc nhiễm khuẩn do viêm phổi nặng. Cháu bé được chỉ định tiêm kháng sinh, có thử phản ứng đầy đủ. Bệnh của con chị tiến triển rất tốt, bác sĩ đang cắt dần thuốc để chuẩn bị ra viện.
 
Nhưng không vì thế mà những nguy hiểm do tác dụng phụ của thuốc sẽ giảm đi. Và mũi tiêm cuối cùng, chính tay chị hỗ trợ cô điều dưỡng cầm hộp thuốc chống sốc với những ống thuốc Adrenaline, thứ vũ khí có khả năng cứu sống con chị trong trường hợp không may bị sốc phản vệ.
 
Và điều kinh dị nhất mà bất cứ nhân viên y tế nào cũng hoảng sợ thì đã xảy ra.
 
Ngay sau khi rút mũi tiêm, trái tim của cháu bé đã ngừng đập vài phút. Rõ ràng con chị đã được thử phản ứng âm tính, được tiêm hàng chục mũi tiêm trước đó đều an toàn. Vậy mà cháu bé vẫn không miễn nhiễm với sự kiện thảm khốc hiếm hoi này.
 
Chứng kiến các bác sĩ hối hả cấp cứu trong nỗi sợ hãi bao trùm, mới thấy hết được giá trị của sự bình tĩnh, kiên nhẫn, khả năng chịu đựng áp lực tâm lí; một áp lực khủng khiếp với cả nhân viên y tế lẫn người nhà bệnh nhân.
 
Cấp cứu sốc phản vệ. Chính tay bác sĩ trưởng khoa ép tim ngoài lồng ngực, vài xương sườn bên trái bị gãy cung bên gây tràn máu vào màng phổi, điện tâm đồ vẫn là đường thẳng và chỉ lóe lên tia hi vọng mong manh theo từng nhịp ép.
 
Nhưng không vì thế mà chị đòi lao vào phòng để xem các bác sĩ cấp cứu như thế nào. Chị là bác sĩ, nên chị hiểu những người không có nhiệm vụ chuyên môn sẽ không được phép có mặt trong phòng. Điều này sẽ khác với gia đình các bệnh nhân, họ luôn đòi phải được vào xem tận mắt bác sĩ đang làm gì. Đây cũng là lí do để các phương tiện truyền thông xoáy vào khai thác, đặt ra những câu hỏi rất ngớ ngẩn.
 
Nhỏ giọt… nhỏ giọt… nhỏ… giọt…
 
Năm phút, 10 phút, 15 phút, rồi 30 phút trôi qua. Và cô điều dưỡng đầu tiên bước ra nhưng chưa dám nói điều gì. Chỉ khi nguy hiểm đã thực sự được kiểm soát, trái tim cháu bé đập đều đặn trở lại, thì tôi là người thứ hai bước ra khỏi phòng và thông báo với mẹ và bố cháu bé.
 
Nhỏ giọt… Nhỏ giọt… khoảng nửa giây giữa một lần rơi.
 
Qua khe cửa hẹp, chị bác sĩ mẹ cháu bé nhìn thấy những giọt chất lỏng màu trắng đang theo đường đi của dây truyền dịch, vào thẳng trong mạch máu, nới lỏng sự lưu thông của dòng tuần hoàn. Và chị hiểu, nhờ những giọt chất lỏng ấy, con chị đã trở về từ cõi chết chỉ trong gang tấc.
 
Làm bác sĩ, chắc chắn chị cũng sẽ giống như tôi, đã từng nhìn thấy phản ứng chết người này ít nhất một đôi lần. Chúng tôi được đào tạo kiến thức y khoa một cách bài bản để có thể đối phó với tình huống ấy; từ y tá, đến điều dưỡng và kĩ thuật viên, cho tới bác sĩ, tất cả đều được đào tạo nhắc đi nhắc lại nhiều lần phác đồ phát hiện và xử trí sốc phản vệ.
 
Với các bác sĩ hồi sức cấp cứu, tôi đánh giá họ là những người rất thông minh. Họ có phương pháp tư duy, có định hướng theo định hướng, họ là người trực tiếp cứu sống bệnh nhân khi có sự cầu cứu của những đồng nghiệp không phải là bác sĩ hồi sức cấp cứu như tôi.
 
Sốc phản vệ rất hiểm nhưng thảm khốc. Một nghiên cứu thống kê ở Mỹ, tỉ lệ tử vong vào khoảng 0,25% – 0,33% trong tổng số bệnh nhân nhập viện, tức là khoảng 63 – 99 bệnh nhân chết mỗi năm.
 
Nhưng tôi cho rằng, tỉ lệ sốc phản vệ là những con số rất buồn cười. Sốc phản vệ không có vấn đề về số lượng, bởi nó có thể xảy ra với bất cứ ai, bất kể là bác sĩ hay người dân bình thường, nếu nói đến con số thì phải là 100% nguy cơ.
 
Với một bác sĩ, đối mặt với sốc phản vệ chưa phải là khó khăn nhất. Không có cách nào dễ dàng để thông báo với gia đình bệnh nhân, đặc biệt là thông báo về cái chết sau một mũi tiêm, cho dù đó là người lạ hay người thân quen của chính bác sĩ trong nhiều năm. Sẽ có hàng loạt người thân, rồi các phương tiện truyền thông, tất cả xã hồi đều sẽ quan tâm đến cái chết. Và sẽ có những giọt nước mắt của cộng đồng nhỏ xuống chỉ để sỉ nhục những người làm chuyên môn.
 
Khó khăn nhất của bác sĩ là không biết giải thích thế nào trong trường hợp ấy…
 
***
 
P/s: Tôi kể lại câu chuyện cũ này, sau cái chết của một bệnh nhi 2 tháng tuổi khi tiêm kháng sinh ở Bv Sản Nhi Bắc Ninh, đặc biệt là 4 cái chết cùng ngày của các cháu bé sơ sinh cũng tại viện này. Tôi chưa có nhiều thông tin, nên chưa thể đưa ra ý kiến cá nhân về vụ việc.
 
Ảnh chỉ có tính chất minh họa (Bs Phúc chụp khi đi công tác tại một phòng khám thấy sang trọng và đẹp nên chụp lại).
 
Nguồn: Bác sĩ Trần Văn Phúc (BV Xanh Pôn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *