Thủ khoa cũng có thể thất nghiệp nếu cái tôi quá lớn

Người xem: 169

Thủ khoa cũng có thể thất nghiệp nếu cái tôi quá lớn
 
Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, sinh viên tốt nghiệp bằng giỏi chưa phải đã là sự lựa chọn tối ưu vì nhiều nhà tuyển dụng cần đôi khi tấm bằng giỏi không đem lại được. 
 

Tiến sĩ Vũ Thu Hương. (Ảnh: NVCC)
 
Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao về câu chuyện cô thủ khoa xuất sắc của Đại học Sư phạm 2 sau một năm tốt nghiệp phải ở nhà… chăn lợn đang gây nhiều tranh cãi. Bà nghĩ sao về trường hợp này?
 
Tôi nghĩ, chuyện này hoàn toàn bình thường. Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp tương tự như vậy và đây chỉ là một điển hình. Không ít em có cái tôi quá lớn, luôn chỉ quan tâm đến quyền lợi, mong muốn của chính mình mà không nghĩ đến việc cần phải cống hiến cho công việc. Việc một số em sinh viên tốt nghiệp ra trường với bằng giỏi thực sự chưa phải là sự lựa chọn tối ưu. Trái lại, điều các nhà tuyển dụng cần lại là các phẩm chất mà đôi khi tấm bằng giỏi không đem lại được.
 
Theo bà, nguyên nhân nữ thủ khoa nói trên thất nghiệp là do đâu?
 
Điều tôi nói có thể ngược với suy nghĩ của nhiều người. Nguyên nhân đến từ hai phía. Đầu tiên là do chính em thủ khoa này đã đánh giá mình quá cao. Có thể em cho rằng, mình có quyền lựa chọn điều bản thân thích, chứ không phải là cần vượt qua hoàn cảnh để khẳng định chính mình.
 
Nguyên nhân thứ hai chính là thái độ quá trọng thị, quá ưu ái mà các cán bộ địa phương đã dành cho em thủ khoa này. Chính điều này khiến em có cảm giác mình là một nhân vật đặc biệt, cần được đối xử đặc biệt. Tuy nhiên, nếu là nhà tuyển dụng, tôi sẽ không tuyển em thủ khoa này. Kiến thức chỉ là một khía cạnh, đặc biệt khi kiến thức đó hiện nay mới chỉ là lặp lại những phát kiến nhân loại đã tìm ra từ trước chứ không thể hiện sự sáng tạo trong đó. Vì thế, tấm bằng xuất sắc của em chỉ thể hiện em giỏi ghi nhớ và lặp lại chứ chưa thể hiện được năng lực đặc biệt nào khác. Là nhà tuyển dụng, tôi cần ở ứng viên của mình nhiều điều hơn thế.
 
Rõ ràng, trong trường hợp này, các cán bộ địa phương đã có lỗi khi cư xử thiếu công bằng giữa các sinh viên vừa tốt nghiệp. Tôi nghĩ, họ đã quá ưu ái và quan tâm đến thủ khoa hơn hẳn so với các trường hợp khác.
 
Nhiều người đổ lỗi cho việc các trường hiện nay đào tạo chủ yếu đi sâu vào lý thuyết khiến các em bước vào đời chưa vững kỹ năng thực hành. Bà có đồng ý với ý kiến này?
 
Tôi không nghĩ như vậy. Điều kiện và hoàn cảnh chỉ là chất xúc tác để con người phát triển. Chính bản thân tôi, sinh viên của tôi và những người thân trong gia đình tôi cũng đã và đang học tập và sống trong các nhà trường Việt Nam. Khi ra trường, nhiều người vẫn phát huy tốt những mặt mạnh của mình và thành công rực rỡ.
 
Trong khi đó, cũng có nhiều người thất bại hoặc loay hoay như em thủ khoa này. Vấn đề là chúng ta đã lựa chọn để hành động như thế nào? Thành công hay thất bại phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người mà thôi.
 
Từ đó, bà có gợi ý gì đối với chính sách thu hút nhân tài?
 
Cá nhân tôi không coi thủ khoa đại học là nhân tài. Đặc biệt trong thời gian này, giáo dục Việt Nam vẫn còn khía cạnh nhiều áp đặt và lý thuyết. Nhân tài phải là những người có khả năng sáng tạo, có thể lo được cho chính mình và giúp đỡ được người khác. Tôi cho rằng, em sinh viên nói trên chưa chắc đã phải là nhân tài.
 
Còn chính sách thu hút nhân tài ở các cơ quan dân lập họ đều làm rất tốt. Việc này chúng ta không cần phải quá lo lắng. Các cơ quan nhà nước muốn tuyển dụng nhân tài chỉ cần làm đúng những gì mà cơ quan dân lập làm là được.
 
Qua trường hợp của cô thủ khoa cùng với số lượng thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp hiện nay, theo bà – điều gì là bước cản, hạn chế cơ hội của bản thân các bạn trẻ?
 
Điều ngăn cản bước chân các bạn trẻ chính là ở quyết định và cách nghĩ của các bạn ấy. Học tập, lao động hay đi xin việc cũng phụ thuộc hoàn toàn vào các bạn ấy. Tự cho mình quá quan trọng là một suy nghĩ sai lầm.
 
Không cơ quan, đơn vị, tổ chức nào phụ thuộc vào một cá nhân. Các cá nhân chỉ là một trong những người đóng góp vào sự phát triển của tổ chức mà thôi. Nếu biết khiêm tốn, nhiệt tình học hỏi, không ngại khó, ngại khổ, kiên trì và trách nhiệm, tôi nghĩ, chẳng có bất kể điều gì ngăn cản bước chân của người thành công.
 
Bà có lời khuyên gì cho các bạn trẻ?
 
Tôi nghĩ, các bạn nên thường xuyên nhìn lại chính mình và hãy khiêm tốn hơn. Dù bằng cấp của các bạn cao đến mấy thì chưa chắc những người đi trước đã kém cỏi hơn mình. Ngoài kiến thức học ở trong trường, họ đã có thêm rất nhiều kinh nghiệm sống, các kỹ năng làm việc và cả những kiến thức thu lượm được trong quá trình kiên trì học hỏi, phấn đấu và làm việc.
 
Vì thế, nếu cứ giữ suy nghĩ mình là nhân tài, là nhân vật đặc biệt với cái “mác” thủ khoa, các bạn sẽ chỉ nhận được thất bại cay đắng và sự chán nản. Các bạn hãy quên đi thành quả đã đạt được và tiếp tục chiến đấu với những khó khăn, thử thách và trải nghiệm.
 
Theo tôi, chỉ có quyết tâm, biết mình đang đứng ở đâu, các bạn trẻ mới có được lựa chọn đúng đắn.
 
Xin cảm ơn Tiến sĩ!
 
Nguyệt Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *