LÀ LÁ LA…500 CÔNG AN Ở ĐÂU HẾT RỒI?

Người xem: 112

Khoai@

Hôm 7/2/2017 anh Thăng đã có buổi làm việc với Quận ủy quận 2 về nhiệm vụ năm 2017. Tại buổi làm việc, anh Đinh La Thăng đã truy vấn Công an quận 2.

Anh hỏi: Số công an quận hiện nay có bao nhiêu người?

Đáp: 500

Hỏi: số dân bao nhiêu?

Đáp: 156 000 người.

Hỏi: “tại sao quận 2 có 156.000 dân, 500 công an, tức là về dân thì gấp rưỡi, Công an quận 2 gấp 20 lần so với xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh nhưng nạn trộm cắp, tai nạn giao thông lại cao” và “Mấy anh công an đi đâu hết rồi”?

Thú thật, đoạn anh nói được các báo ghi lại trong ngoặc kép em chả hiểu gì. Hehe.

Nôm na là thế này, quận 2 rộng 5000 ha là không rộng, quân số công an là đông, nhưng để trộm cắp và giao thông ùn tắc, xe quá tải chạy phá hoại hạ tầng cơ sở như hiện nay là do làm chưa tốt. và cuối cùng anh kết luận: Chúng ta chưa tận cùng, chúng ta vô cảm, cuối cùng chỉ có người dân khổ.

Rõ rồi, để tình trạng tội phạm nhiều là công an làm chưa tốt. Điều này miễn bàn. Nhưng tội phạm tăng, hay ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng mà đổ cho công an thì sai toét.

Tội phạm tăng không phụ thuộc vào độ rộng lớn của địa bàn đâu anh Thăng ạ, nó phát triển là do nhiều yếu tố liên quan đến chính sách, luật pháp và cơ chế trao quyền kiểm soát cho công an. Bắt anh công an như người lính ra trận nhưng lại tước vũ khí và trói tay thì có mà đánh giặc vào mắt. 

Nguyên nhân ùn tắc thì khá nhiều, nhưng chung quy lại có mấy cái.

– Khả năng quản lý đô thị. Đây là cái lớn nhất, gốc rễ của mọi vấn đề và nó xuất phát từ tầm nhìn của nhà quản lý, nói sang mồm là lãnh đạo. Quản lý bao gồm việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội và văn hóa, từ quy hoạch phát triển giao thông đô thị cho đến việc giữ được định hướng phát triển trong quy củ. Cái này không cần nói, ai cũng biết ta kém nêu không muốn nói là rất kém.

– Ý thức của người dân

Đây là nguyên nhân mà các lãnh đạo, báo chí đều né tránh và nó bị đẩy xuống cuối cùng trước khi liệt kê một loạt các nguyên nhân khác. Người viết nghĩ, đây là nguyên nhân lớn thứ 2 sau năng lực quản lý đô thị, nhưng xin nói thẳng vì có lợi cho cái chung: Dân ta có ý thức chấp hành luật pháp, trật tự văn minh đô thị, kỷ luật lao động có lẽ vào loại bét thế giới. 

Từ việc xếp hàng mua đồ, lên máy bay cho tới tham gia giao thông, họ đều chen lấn, xô đẩy, bất chấp tín hiệu và hiệu lệnh cảnh sát. Thói quen xấu ấy có cả ở người đi bộ, người lớn, trẻ em, anh công nhân, chị quét rác, ông Tiến sĩ và thậm chí có cả ở những người vì chiến tranh mà trở nên khuyết tật.

Để chống lại cái thói quen ấy các anh đổ hết lên đầu cho công an và mình dửng dưng vô trách nhiệm là không đúng. Có 2 thứ cần nói là giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và áp dụng pháp luật để răn đe (có cả ý nghĩa giáo dục).

Thực tế là tuyên truyền rồi, vận động, giáo dục, thuyết phục rồi…nhưng vẫn đâu vào đấy. “Đa ngôn đa oán” – nói lắm, chỉ gây cho họ sự bực mình và cũng là “nước đổ đầu vịt”. Tuyên truyền lắm chỉ tốn tiền, trong khi nếu áp dụng pháp luật, các anh sẽ được tiền. Các anh vì lý do tế nhị mà nhấn mạnh việc giáo dục tuyên truyền, nhưng lại xem nhẹ việc áp dụng pháp luật. Điều đó là không đúng vì ý thức chấp hành luật pháp kém là nguyên nhân gây ra đủ thứ chướng tai gai mắt, lộn xộn như hiện nay. 

Nói như vậy không có nghĩa là từ trước tới nay ta không áp dụng pháp luật. Phải nói là có, nhưng nửa vời. Người đi bộ sang đường ở vị trí không được phép là vi phạm pháp luật cần bị xử lý chứ không phải nhắc nhở. Người không chấp hành hiệu lệnh cảnh sát cần bị đuổi bắt và phải bị coi là tội phạm chứ không nên lên án cảnh sát giao thông như báo chí vẫn từng. Xe ba bánh tự chế do các thương binh điều khiển cần bị tịch thu. Tụ tập biểu tình trên đường phố mà không được phép cần phải được mạnh tay giải tán, thậm chí bằng vũ lực chứ không chỉ là loa và mồm.

Anh Thăng cũng đã nói, “Tâm lý người dân khi có bóng dáng cảnh sát đứng đường điều tiết thì chắc chắn phải đỡ chứ”. Khi có bóng dáng cảnh sát có nghĩa là pháp luật hiện diện và người dân sợ bị phạt chứ không phải sợ ông cảnh sát. Đây cũng là một gợi ý về việc áp dụng công nghệ thông tin cho người quản lý. Phạt không nhất thiết phải có mặt cảnh sát mà chỉ cần có phương tiện ghi hình làm bằng chứng.

Trở lại vấn đề chính, 500 anh em công an đang ở đâu. Anh Thăng không thể điều số lượng 500 công an ra đường được đâu ạ. 500 anh em ấy không phải chỉ làm nhiệm vụ giao thông. Công an cấp quận chỉ có một bộ phận nhỏ làm nhiệm vụ liên quan đến giao thông, (chỉ chiếm 10 đến 20% biên chế) và cũng không thể điều hết số này ra đường vì ta cũng cần nhiều người làm đăng kiểm, đăng ký, tuần tra kiểm soát, điều tra, xử lý tai nạn… Trong số 500 anh em, trừ một số là lãnh đạo công an quận, còn lại chủ yếu là ở phường, hiện đang phải làm cật lực cả những công việc khác do cơ chế song trùng trực thuộc (vừa chịu sự chỉ đạo của công an cấp trên theo ngành dọc, lại vừa chịu sự chỉ huy chỉ đạo của UBND phường). Như vậy, cứ cho là 10% tức 50 CSGT ra đường thì có đáng kể không ?

Nói như thế để thấy anh Thăng hỏi câu “Hơn 500 công an ở đâu hết?” là thừa. Vấn đề ùn tắc giao thông không nằm ở chỗ 500 anh em, mà nằm ở khả năng quản lý của chính các anh lãnh đạo và ý thức người dân. Cứ có cán bộ quản lý giỏi và phạt chuẩn là êm ngay.

Cuối cùng, nói gì thì nói, 500 anh em công an quận 2 cũng phải thấy mình làm chưa tốt để sửa mình mà tiến bộ, như thế anh Thăng và tôi mới ưng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *