Giọng điệu của RFA về nhân quyền

Người xem: 151

Khoai@

Gần đến ngày bầu cử Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, một số tổ chức, cá nhân đã lên tiếng tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do tôn giáo… nhằm ngăn cản Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ mới này. Đây là lần thứ 2 Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ thể hiện mong muốn của Việt Nam trong việc đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Những nỗ lực của Việt Nam cũng được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Trên trang RFA của tổ chức phản động quốc tế có tên Đài châu Á tự do có hẳn một chiến dịch truyền thông với nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, vu cáo, bịa đặt về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và sau đó được nhiều trang mạng đăng tải lại. RFA đã tổng hợp lại rằng: “Ba tổ chức nhân quyền công bố một báo cáo chung kêu gọi các quốc gia thành viên của Liên Hiệp quốc (LHQ) không bầu Việt Nam và bốn quốc gia độc tài khác vào Hội đồng Nhân quyền”. Xin trích một đoạn:

Ba tổ chức Quan sát Liên Hiệp quốc (UN Watch), Quỹ Nhân quyền (Human Rights Foundation) và Trung tâm Raoul Wallenberg về Quyền con người (Raoul Wallenberg Center for Human Rights) khẳng định, Việt Nam không xứng đáng được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ của mình cũng như những lá phiếu của họ trong các nghị quyết liên quan đến nhân quyền”.

Không cần nói hẳn bạn đọc cũng biết 3 tổ chức này là cánh tay nối dài của một số quốc gia thù địch với Việt Nam lập ra và chống lưng. Hoạt động chủ yếu của các tổ chức này theo một số nhà phân tích chính trị phương Tây là “khủng bố chính trị, tinh thần và văn hóa” nhằm hướng lái và nô dịch các quốc gia khác đi theo quỹ đạo của họ. Cùng với các tổ chức này còn có một vài cá nhân khác như Nguyễn Văn Đài ở Đức đại diện cho tổ chức phản động “Hội anh em dân chủ”, hay Phil Robertson đại diện cho Phân ban Châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức phản động quốc tế Theo dõi Nhân quyền. Cả 2 đối tượng này đều có quá khứ là tội phạm và có thâm niên hoạt động chống phá Việt Nam trong một thời gian dài.

Theo báo cáo của ba tổ chức này, Bộ luật Hình sự của Việt Nam nghiêm cấm phát ngôn chỉ trích chính phủ và nhà nước kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông. Chính phủ có hoạt động bắt bớ và đàn áp các nhà báo và blogger độc lập. Thậm chí, báo cáo này còn lớn tiếng khẳng định Chính phủ Việt Nam tiến hành giám sát trực tuyến công dân của mình. Quân đội có một đơn vị đặc biệt gồm 10.000 lính không gian mạng (Lực lượng 47) nhằm thúc đẩy đường lối của đảng và tấn công những người bất đồng chính kiến ​​trên mạng.

Ông Phil Robertson từ Bangkok có nhận xét cực kỳ côn đồ rằng: trong mọi khía cạnh của hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, nó thể hiện rõ ràng rằng đây là “một chính phủ sẽ có vấn đề lớn nếu nó được bầu vào Hội đồng.” Ông khẳng định: “Trong vài năm gần đây, các nhà lãnh đạo Hà Nội đã thúc đẩy các nỗ lực nhằm giam cầm hầu hết người bảo vệ nhân quyền và bất đồng chính kiến ​​trong cả nước…

Với bản chất bỉ ổi đó, các tổ chức và cá nhân nói trên không có bất cứ tư cách nào để phán xét về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Bản thân những quy chụp tồi tệ của họ đối với người Việt Nam đã là vi phạm nghiêm trọng về quyền con người.

Nói về việc bảo đảm quyền con người, chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực, từ quyền về dân sự, chính trị đến quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương…

Trên thực tế, Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi và ban hành mới nhiều văn bản luật, trong đó có những bộ luật liên quan đến đảm bảo quyền con người, như Luật Báo chí; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng… Tất cả các luật nói trên đều đảm bảo hợp hiến và tuân thủ nguyên tắc Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ở khía canh khác, bằng việc tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng luật pháp, nhân dân đã thực hiện các quyền tự do, dân chủ của mình; và các văn bản pháp luật quan trọng đều thể hiện được ý chí, lợi ích và nguyện vọng của nhân dân.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 không chỉ đơn giản hóa các thủ tục cấp phép cho các hoạt động thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo, mà còn bảo đảm quyền cho tất cả người có đạo, cho dù họ là công dân Việt Nam hay người nước ngoài, cho dù họ là người tự do hay đang thi hành án. Mục 5 Điều 5 quy định: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng…bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”. Điều 8, quy định: “Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, v.v.

Tương tự như thế, Luật An ninh mạng đã xác định nguyên tắc sau “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng” (Điều 4). Với tinh thần đó, thời gian qua, không có ai bị cấm cản khi bày tỏ chính kiến trên không gian mạng, nhưng một cá nhân nào đó sẽ bị xử lý nếu như lợi dụng không gian mạng để vi phạm pháp luật.

Nhân quyền của người dân Việt Nam cũng được thể hiện rõ ở quyền bầu cử và ứng cử. Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) đã cho thấy điều này. Theo số liệu thống kê được công bố chính thức, cả nước có 67.485.482 cử tri, trong đó số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 67.049.091 người, đạt tỷ lệ 99,35%. Cơ cấu Đại biểu trúng cử thể hiện quyền lựa chọn đại biểu của nhân dân, kết quả cụ thể như sau: Đại biểu là người dân tộc thiểu số: 86 người (đạt 17,30%); Đại biểu nữ: 133 người (đạt 26,80%); Đại biểu là người ngoài Đảng: 21 người (đạt 4,20%); Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 71 người (đạt 14,30%). Mặc dù cơ cấu này chưa đạt yêu cầu của Hội đồng bầu cử đề ra, nhưng so với các cuộc bầu cử trước đây đã có những tiến bộ.

Quyền tham gia quản lý Nhà nước của người dân được thể hiện ở tiếng nói của những đại biểu đại diện của mình tại Quốc hội. Những ai theo dõi thông tin trên mạng đều thấy rõ, các kỳ họp Quốc hội trong những nhiệm kỳ gần đây đều được truyền hình trực tiếp để người dân theo dõi; những phiên họp chất vấn được nhân dân đặc biệt quan tâm; những vấn đề nóng như về sách giáo khoa, về các chốt thu phí BOT, phòng chống tham nhũng… đã được nêu ra và trao đổi thẳng thắn tại các phiên chất vấn.

Về quyền tự do ngôn luận, báo chí và tự do sử dụng internet, mạng xã hội của người dân đã được bảo đảm không chỉ về tư tưởng, chính trị, mà cả về cơ sở kỹ thuật. Ngay từ 1997, Việt Nam đã kết nối với xa lộ thông tin của thế giới, đặt nền móng cho internet Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam là 1 trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới, đạt 68,7% vào năm 2019, trong khi đó trung bình của thế giới là 51,4%. Hiện tỷ lệ này chỉ thấp hơn các nước phát triển (86,7%), các nước đang phát triển (44,4%) và các nước châu Á – Thái Bình Dương (44,5%). “Có thể nói, tỷ lệ NSD Internet của Việt Nam là cao hơn so với trung bình của khu vực khá nhiều và đã đạt được 80% so với các nước phát triển”.

Trong khi đó, số liệu về tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet hiện nay, Việt Nam đạt 71,3%, trong khi trung bình thế giới chỉ là 57,4%. Con số này tại các nước phát triển là 85%, châu Á – Thái Bình Dương là 53%. Như vậy, tỷ lệ của Việt Nam cao hơn trung bình khu vực, đạt 83,7% so với các nước phát triển, gần ngang bằng với các nước phát triển.

Theo số liệu của We are Social, trung bình mỗi ngày mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 giờ 42 phút để vào Internet, trong đó, 2 giờ 33 phút là dành cho mạng xã hội. 94% người dùng Internet Việt Nam lên mạng hàng ngày. Chỉ số này, theo ông Cường là cao hẳn so với trung bình của thế giới, cho thấy người Việt Nam quan tâm đến thông tin, Internet.

Những con số nói trên đã chứng tỏ nhiều điều, đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin đa diện, nhiều chiều mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Hiện chưa có con số thống kê chính thức của năm 2022, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2016-2019 khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm vẫn đạt 2,91%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế xã hội tăng trưởng mạnh mẽ là điều kiện để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình trên lĩnh vực này. Một trong những thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam bảo đảm quyền con người là đạt được những tiến bộ vượt bậc về xóa đói giảm nghèo, phát triển con người và chất lượng cuộc sống. Tính đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 2,75% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020). Việt Nam là quốc gia đạt được kết quả ấn tượng trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay 63 tỉnh, thành phố đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học. Ngoài sự phát triển các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe trực tiếp, Việt Nam còn thi hành nhiều biện pháp nhằm nâng cao sức khỏe của người dân, ngăn ngừa bệnh tật từ xa như chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch tăng lên qua các năm. Bảo hiểm y tế được phát triển, mở rộng. Số lượng người tham gia bảo hiểm y tế đã tăng từ 3,8 triệu (chiếm 5,4% dân số) năm 1993 lên gần 88 triệu người (gần 91% dân số) năm 2020.

Ở bình diện quốc tế, Nhà nước Việt Nam đã thể hiện nhất quán là một thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng Quốc tế, trong đó có Hội đồng nhân quyền. Việt Nam từng được bầu là thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.

Như vậy có thể nói, thành tựu nhân quyền Việt Nam là to lớn, vững chắc, không có tổ chức hay cá nhân nào có thể phủ nhận được.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *