Gộp Công an xã bán chuyên trách, Dân phòng và Bảo vệ dân phố: Toàn quốc sẽ tiết kiệm được 150 tỷ/tháng

Người xem: 126

Khoai@
 

Tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở hiện có lực lượng Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố và Dân phòng và là lực lượng vô cùng quan trọng, không thể thiếu ở địa bàn cơ sở. Hoạt động của các lực lượng này gắn bó rất chặt chẽ với nhân dân, tác động trực tiếp tới quyền con người, quyền công dân, trong khi lại không được đào tạo bài bản, do nhiều cơ quan quản lý và tạo ra gánh nặng cho ngân sách. Do đó, việc xây dựng Luật các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là nhu cầu hết sức cấp bách. 

 
Tuy nhiên, từ 2 năm trước, khi dự luật được Bộ Công an lấy ý kiến xây dựng, nhiều câu hỏi đã được ĐBQH cũng như dư luận đặt ra, trong đó nhấn mạnh đến, việc “Liệu khi luật được công bố thì biên chế bộ máy có bị phình to hay không”? và “có tăng thêm ngân sách hay không”?
 
Câu trả lời đã được Bộ công an giải thích rất rõ với các luận cứ khoa học vững chắc là “không làm tăng số lượng và cũng không làm tăng chi ngân sách nhà nước”.
 
Ai cũng biết lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở góp mặt đầy đủ ở mỗi địa phương, nhưng phần lớn không được đào tạo kiến thức và kỹ năng bảo vệ an ninh trật tự. Một số người còn chưa hiểu đúng về vai trò của mình đối với xã hội, dẫn đến làm không đúng quy định, sai quy trình. Thậm chí có trường hợp còn vi phạm quyền công dân, vi phạm pháp luật. 
 
Từ góc nhìn quản lý, có thể thấy, hiện ở cấp cơ sở vẫn tồn tại 3 lực lượng là Bảo vệ dân phố, Dân phòng và Công an bán chuyên trách. Mỗi một lực lượng lại chịu sự quản lý của các cơ quan khác nhau, dẫn đến bị chống chéo về chức năng, nhiệm vụ hoặc đùn đẩy trách nhiệm đối với một số vụ việc cụ thể. Cụ thể, Bảo vệ dân phố và Công an bán chuyên trách chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy xã phường, sự giám sát của HĐND xã phường, sự quản lý điều hành của UBND xã phường và sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp công tác của Công an xã phường. Trong khi đó lực lượng Dân phòng do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thành lập, quản lý.
 
Thực tế, việc một địa bàn cấp xã cùng tồn tại 3 lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự là vô lý và lãng phí cả nhân lực và tài lực. Do đó, nhu cầu hợp nhất thành một lực lượng để tổ chức quản lý, điều hành, vừa tinh gọn, vừa giảm gánh nặng cho ngân sách là nhu cầu thực tiễn.
 
Việc cộng gộp quy về một mối cho 3 lực lượng trên, số lượng dự kiến hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước khoảng 300.000 người (riêng dân phòng chỉ gồm đội trưởng và đội phó).
 
Với trung bình hàng tháng, các địa phương chi hỗ trợ cho một chức danh thuộc lực lượng trên khoảng 300.000 đồng từ ngân sách Nhà nước, mỗi tháng ngân sách cần khoảng 450 tỷ đồng để chi trả cho khoảng 1,5 triệu người; mỗi tỉnh cần 7 tỷ đồng để đảm bảo chi trả. Như vậy, nếu dự Luật này được thông qua sẽ giảm 500.000 người (1,5 triệu người thay vì 2 triệu người) thì hàng tháng toàn quốc sẽ cắt giảm được khoảng 150 tỷ đồng từ ngân sách.
 
Điều đó có nghĩa, việc điều chỉnh theo hướng này sẽ bảo đảm không làm tăng biên chế và không làm tăng chi ngân sách và góp phần kiện toàn, tinh gọn thống nhất một đầu mối; cắt bỏ được các khoản chi hỗ trợ cho nhiều lực lượng hiện nay đang tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở; khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật.
 
Dự thảo Luật quy định rõ, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng hỗ trợ thường xuyên hàng tháng; hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; được trang bị công cụ hỗ trợ, hồ sơ, sổ sách cần thiết để thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận để thực hiện nhiệm vụ.
 
Dự Luật cũng nêu rõ, những trường hợp thành viên của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự không hoàn thành nhiệm vụ, không còn được tín nhiệm hoặc vi phạm kỷ luật, pháp luật thì cho thôi hoạt động và bổ sung người thay thế. Việc bổ sung, đào tạo kiến thức cho lực lượng này được công an và các cơ quan quản lý của thực hiện, theo kế hoạch cụ thể từng khu vực, điều này sẽ giúp lực lượng phục vụ tốt hơn, cho từng mục tiêu ở từng giai đoạn, khu vực khác nhau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *