Chuyện tiếp công dân và vai diễn cuộc đời

Người xem: 192

Khoai@

Vào trung tuần tháng 11/2023, dư luận xôn xao chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi từ chối tiếp công dân là ông Phan Văn Hiếu – Phó giám đốc Sở KH&CN để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật cán bộ, công chức liên quan đến thực hiện nhiệm vụ công vụ và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Ảnh: Phó giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi Phan Văn Hiếu

Cá nhân tôi nghĩ rằng, ông Chủ tịch đã đúng khi xử lý tình huống này, bởi ông Phan Văn Hiếu đăng ký gặp Chủ tịch tỉnh trong kế hoạch tiếp công dân nhằm giải quyết các vấn đề công vụ, liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm của người lãnh đạo Sở KH&CN.

Nếu ông Phan Văn Hiếu đăng ký gặp Chủ tịch tỉnh để giải quyết những vấn đề nằm ngoài công vụ, ngoài phạm vi trách nhiệm của ông thì tôi nghĩ Chủ tịch tỉnh sẽ phải gặp. Nhưng nếu để giải quyết công việc thì ông Hiếu sẽ phải làm việc với cấp trên của mình trong mối quan hệ công việc chứ không phải trong một buổi tiếp công dân, bởi ông đang là Phó giám đốc Sở KH&CN của tỉnh.

Trong câu chuyện này, ông Phan Văn Hiếu đã xác định nhầm vai trò của mình trong mối quan hệ công việc với Chủ tịch tỉnh.

Ai đã đúng khi nói: “Cuộc đời là một sân khấu lớn và chúng ta là những kịch sĩ”. Suốt chiều dài cuộc đời, mỗi người trong chúng ta từng phải đóng rất nhiều vai diễn khác nhau. Khi là người con, lúc là học trò, đôi lúc là láng giềng, có khi là thầy giáo và đôi khi là cấp dưới với cấp trên… Rất ít người có được lựa chọn cho những vai diễn của mình.

Ở mỗi hoàn cảnh khác nhau, ta phải làm đúng vai trò, bổn phận đối với vai diễn của mình bằng cách xác định chính xác mối quan hệ bản chất giữa ta và người đối thoại.

Tiếp xúc với thầy ta phải xác định trong quan hệ đó, ta là học trò vì thế phải lễ độ, biết ơn và tôn kính. Tiếp xúc với vợ, quan hệ đó là gia đình, vợ chồng, vì thế phải trách nhiệm, bao dung và yêu thương trân quý. Tiếp xúc với sếp nơi công sở thì quan hệ đó là cấp dưới và cấp trên, là cá nhân với tập thể, nên ta phải làm tròn bổn phận của một công chức…

Ta sẽ không hoàn thành vai diễn của mình nếu không xác định được mối quan hệ bản chất trong cuộc tiếp xúc. Nếu nhầm lẫn có thể rất nguy hiểm.

Hãy nhớ rằng, ta với vợ hàng xóm là quan hệ láng giềng chứ không phải vợ chồng. Ta với cấp trên của mình nơi công sở, khi bàn về công việc là quan hệ công việc chứ không phải riêng tư. Nếu xác định sai mối quan hệ đó, bạn có thể đóng nhầm vai và dẫn tới nhiều hệ lụy.

Tất nhiên, cuộc sống vốn phức tạp nên đôi khi cùng lúc ta phải đóng nhiều vai bởi cuộc tiếp xúc hàm chứa cùng lúc nhiều mối quan hệ. Do đó, trường hợp này, muốn hoàn thành vai diễn thì bạn phải tách bạch các quan hệ đó.

Theo tôi, khi phát hiện những vấn đề cần làm rõ liên quan đến công vụ thì nên thể hiện vai diễn là một cán bộ công chức, là lãnh đạo của một Sở để làm việc với tập thể và cấp trên hơn là với tư cách một công dân tố cáo sự việc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *