Ba Lan tuyên bố ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine

Người xem: 174

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, nước này đã ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine “vì chúng tôi đang tích cực tự trang bị vũ khí cho mình”.

“Chúng tôi không còn chuyển giao bất kỳ loại vũ khí nào cho Ukraine nữa, vì thực tế là chúng tôi đang tự trang bị cho mình những loại vũ khí hiện đại nhất. Nếu bạn muốn tự vệ thì bạn phải có thứ gì đó. Chúng tôi công nhận nguyên tắc này. Và đó là lý do chúng tôi tăng số đơn đặt hàng”, ông Morawiecki nói trên kênh truyền hình Polsat. Chính quyền Ba Lan nhiều lần nhấn mạnh, nước này đứng thứ ba về cung cấp quân sự cho Ukraine sau Mỹ và Anh. Vào cuối tháng 7, có thông tin cho rằng Warsaw đã hỗ trợ quân sự cho lực lượng vũ trang Ukraine trị giá 3 tỷ Euro. Gần đây, quan hệ Ba Lan – Ukraine trở nên phức tạp hơn do lệnh cấm của Warsaw áp đặt đối với nguồn cung cấp ngũ cốc từ Kiev. Hôm 20/9, căng thẳng về vấn đề ngũ cốc Ukraine tiếp tục leo thang sau khi Ba Lan triệu Đại sứ Ukraine liên quan đến bài phát biểu của Tổng thống Zelensky tại Liên Hiệp Quốc, cho rằng việc “cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine là giúp Nga”.

Nổ súng vào Đại sứ quán Mỹ ở Lebanon. Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ ở Lebanon Jake Nelson cho biết nhiều phát súng bắn vào Đại sứ quán Mỹ hôm 20/9. Theo người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ ở Lebanon Jake Nelson, không có thương tích trong vụ nổ súng. Vụ việc xảy ra đúng ngày kỷ niệm vụ đánh bom xe liều chết nhằm vào một trong những tòa nhà thuộc cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ ở Beirut năm 1984. Vụ tấn công do phiến quân Hồi giáo thực hiện đã cướp đi sinh mạng của 23 người, trong đó có 2 người Mỹ.

Ngoại trưởng Lavrov: Nga không từ bỏ đàm phán với Ukraine. Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Nga không từ bỏ đàm phán với Ukraine. “Nói về các cuộc đàm phán – ngay cả bây giờ, chúng tôi vẫn không từ bỏ. Tổng thống Putin đã nói về điều này nhiều lần, gần đây cũng vậy”. Ngoại trưởng Sergei Lavrov cáo buộc Mỹ và các đồng minh đã công khai can thiệp vào các vấn đề của Ukraine và gây ra cuộc khủng hoảng ở quốc gia này.

Ukraine nhận trách nhiệm về những vụ nổ ở bán đảo Crimea. Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine tuyên bố các vụ nổ được báo cáo ở bán đảo Crimea ngày 20/9 là do quân đội Ukraine thực hiện. Phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine – Andrii Yusov cho biết: “Chúng tôi có thể xác nhận rằng đây là hoạt động của lực lượng an ninh và quốc phòng Ukraine nhằm vào các mục tiêu quân sự của đối phương.”

Tiêm kích Su-34 của Nga rơi trong lúc huấn luyện. Bộ Quốc phòng Nga cho biết một máy bay Su-34 đã bị rơi trong lúc huấn luyện ở vùng Voronezh sáng 20/9. Hai thành viên phi hành đoàn đã thoát ra ngoài an toàn và không bị thương. Máy bay Su-34 được cho là đã bị rơi ở một khu vực hẻo lánh và không mang theo đạn dược trong lúc bay huấn luyện. Cả hai phi công trên chiếc máy bay đều đã thoát ra ngoài an toàn và đã quay trở lại căn cứ. Bộ Quốc phòng Nga cho rằng trục trặc kỹ thuật là nguyên nhân của vụ tai nạn.

Cháy kho dầu của Nga ở Sochi, nghi do UAV tập kích. Lửa đã nhấn chìm kho dầu của Nga ở thành phố Sochi sau khi một bồn chứa phát nổ lúc sáng sớm ngày 20/9. Một bể chứa dầu đã phát nổ gần sân bay thành phố nghỉ mát Sochi của Nga. Theo truyền thông địa phương, trước khi vụ nổ xảy ra đã có một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV). Các quan chức Nga chưa xác nhận thông tin này và hiện đang tiến hành điều tra.

Ukraine từ chối nhận 10 xe tăng Leopard của Đức. Ukraine đã từ chối không nhận 10 xe tăng Leopard 1 của Đức do tình trạng kém, theo tờ Spiegel của Đức ngày 20/9. 10 xe tăng Leopard 1A5 cần được sửa chữa nhưng Ukraine không có kỹ thuật viên và linh kiện cho việc này.

Ông Zelensky nghi ngờ khả năng phản công. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông không biết liệu lực lượng vũ trang nước này có thể thành công trong cuộc phản công trước cuối năm nay hay không. “Tôi thực sự không nghĩ có ai biết”, ông Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CNN, khi được hỏi liệu Ukraine có thể đạt được bước đột phá trong những tháng tới hay không. Theo ông, Ukraine vẫn muốn nhận tên lửa tầm xa từ Mỹ, đồng thời nhấn mạnh việc Washington từ chối có thể sẽ là “tổn thất lớn” đối với Kiev.

Nổ trên tàu chở hàng gần cảng sông Danube. Tàu Seama báo cáo phát hiện vụ nổ xảy ra sáng 20/9 và đề nghị được sơ tán 12 thành viên thủy thủ đoàn gần cảng Sulina, nơi sông Danube đổ vào biển Đen. Thủy thủ đoàn đã được cơ quan chức năng Romania hỗ trợ sơ tán. Bộ trưởng Giao thông Romania Sorin Grindeanu cho biết hiện chưa rõ nguyên nhân vụ nổ là do mìn hay chỉ là sự cố nổ trong khoang động cơ.

Thanh Huyền

 

2 thoughts on “Ba Lan tuyên bố ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine

  1. admin says:

    Ngoại trưởng Sergei chỉ ra, nhiều nhà lãnh đạo hiện nay “vờ như” không nhớ ý nghĩa của các Thoả thuận Minsk – đó là sự thống nhất Donbass với phần còn lại của nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ, trong khi vẫn đảm bảo và tôn trọng các quyền cơ bản của người dân.

    “Phương Tây, vốn cản trở việc thực thi các điều khoản này, phải chịu trách nhiệm trực tiếp về sự sụp đổ của Ukraine, và việc kích động nội chiến ở đó” – Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói.

    Theo ông Lavrov, các đối thủ của Nga ngày càng lên tiếng “hô khẩu hiệu” tuyên truyền về “chiến tranh, xâm lược”, nhưng lại lảng tránh thảo luận về nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.

    “Về việc làm thế nào trong nhiều năm họ đã nuôi dưỡng một chế độ Đức Quốc xã công khai, hay như viết lại lịch sử, kết quả của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai, và lịch sử của chính dân tộc mình. Phương Tây tránh một cuộc thảo luận thực chất dựa trên sự thật, và tôn trọng tất cả các yêu cầu của Hiến chương Liên hợp quốc. Rõ ràng đến nay vẫn không có một cuộc đối thoại thực chất nào” – Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho hay.

    Về tương lai các cuộc đàm phán, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh rằng, Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần khẳng định Moskva không từ chối. Tuy nhiên, việc bắt đầu đối thoại đã bị cản trở bởi chính sắc lệnh cấm đàm phán với Moskva của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

    “Nếu Mỹ quan tâm điều này tới vậy, thì tôi nghĩ, sẽ không khó để huỷ bỏ sắc lệnh này” – Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhìn thẳng vào Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và nói.

    Nhà ngoại giao Nga cũng đề cập đến các vấn đề rủi ro toàn cầu. Theo ông Lavrov, Nga tích cực tham gia tìm cách ngăn chặn, và giải quyết theo hướng hoà bình nên khẳng định tôn trọng và thực hiện đầy đủ mọi quy định của Hiến chương Liên hợp quốc.

  2. admin says:

    Tại phiên họp của Hội đồng Bảo an, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu quan điểm rằng, phương Tây cản trở Thoả thuận Minsk, vậy nên phải chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của Ukraine.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *