Sự cẩu thả của báo chí hay ý đồ gì khác?

Người xem: 215

Thời gian gần đây, dư luận không quá khắt khe với những sai sót trên báo chí; cơ quan quản lý báo chí không còn những quy chụp nặng nề tương tự như vụ “Cây táo ông Lành” của Hoàng Cát thời những năm 70 thế kỷ trước. 
 
Tuy vậy, bạn đọc khó có thể tha thứ cho những sai sót một cách quá ư lộ liễu, thô thiển mà dường như tác giả thực hiện một cách cố tình bởi một ý đồ gì đó đằng sau.
Báo Tuổi trẻ TPHCM đăng hình lính VNCH
 
Dù chất lượng báo Tuổi trẻ TP HCM mấy năm nay có sa sút nhưng nó vẫn là một tờ báo giấy có lượng phát hành cao nhất; là tờ báo điện tử có lượng truy cập cao nhất ở Việt Nam hiện nay. Càng được bạn đọc yêu quý, thiết tưởng những người làm báo ở đây càng phải khắt khe hơn với chính mình.
Chính vì lẽ đó, nhiều người bị sốc khi thấy tại bài viết về cảnh người Hà Nội sơ tán trong 12 ngày đêm B52 của giặc Mỹ gây ra thảm cảnh cho Thủ đô 40 năm trước nhưng tác giả lại dùng tấm ảnh người lính VNCH cùng người dân chạy loạn khỏi chiến trường Quảng Trị!
Đúng như bạn Lê Hương Lan- Trưởng nhóm Biên tập Google.tienlang đãnhận xét trong Lời dẫn: “Đành rằng đã là sơ tán, là chạy loạn, chạy khỏi nơi chiến sự thì bà con miền Bắc cũng khổ như cô bác trong Nam. Thế nhưng, với nhà báo thì không thể lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như báo Tuổi trẻ…”
Tại sao báo Tuổi trẻ TP HCM lại có thể lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như vậy?
Chúng ta có thể cảm thông cho các bạn phóng viên trẻ vì phải gấp rút chạy theo chỉ tiêu bài vở. Nhưng ở đây là một tuyến bài lớn nhằm kỷ niệm 40 năm Điện Biên Phủ trên không. Hẳn là cả tòa soạn phải có sự đầu tư công sức khá lớn? Nếu phóng viên trẻ sơ suất thì biên tập viên phải là người phát hiện. Và cuối cùng, Tổng Biên tập duyệt bài phải là người có trách nhiệm phát hiện.
 
Đặc biệt, việc phát hiện này không hề khó với một người có kiến thức sơ đẳng về lịch sử. Bộ quân phục của người lính VNCH không thể nhầm lẫn với quân phục của quân đội nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, tấm hình trong bài là của một phóng viên nước ngoài. Nó đã khá nổi tiếng trên mạng cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài. Nếu nhấp chuột vào ĐÂY thì sẽ có hàng loạt bài viết bằng tiếng Việt có tấm hình này, đặc biệt có rất nhiều bài viết trên các trang web/blog phản động hải ngoại đã xuyên tạc nội dung tấm hình; vu khống, bịa đặt rằng bà con đang chạy loạn Việt cộng! 
 
Báo Tuổi trẻ TP HCM ghi chú dưới tấm hình “Gánh con đi sơ tán – Ảnh: N.N.T. chụp lại từ ảnh tư liệu”. Lấy chú thích là ảnh tư liệu thì cũng phải nói từ tư liệu nào chứ? Đã trót làm ẩu, in nhầm ảnh minh họa thì phải đăng cái ảnh ấy lên và tòa soạn cùng tác giả phải chính thức xin lỗi và đính chính, không thể nhập nhèm rút ảnh đi để phi tang, để “trốn” cái sai rõ rành rành. Nếu không đính chính thì những người không biết cứ căn cứ vào tư liệu này và tiếp tục sai. 
 
Báo Phụ nữ TP HCM ca ngợi quân xâm lược Trung Quốc?
Báo Phụ nữ TP HCM số 23, ra ngày 21/6/2009 (số kỉ niệm 84 năm Ngày Báo chí CM Việt Nam), ở trang 17 có bài tạp bút “Những chú lính ở sân ga”của nhà văn Dạ Ngân ca ngợi lòng dũng cảm của Hải quân Việt Nam nhưng lại đăng ảnh là lính Hải quân Trung Quốc! 
 
Bìa báo Phụ Nữ Chủ nhật số ngày 21.6.2009
Những chú lính ở sân ga – Tạp bút của Dạ Ngân – Trang 17
Nội dung bài “Những chú lính ở sân ga”
Cận cảnh
Kết quả truy tìm nguồn gốc tấm ảnh trên cho biết ảnh có xuất xứ từ trang Wikipedia trong bài giới thiệu về Hải quân Trung Quốc:
 
 
Chú thích trên Wikipedia: Hải quân Trung Quốc tại Bộ Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải, Thanh Đảo
Xin hãy lưu ý phần mở đầu bài viết của tác giả Dạ Ngân: “Lâu lắm rồi mới thấy lại những hình ảnh này. Họ đi theo hàng, theo khối. Từ từ tiến vào sân ga. Tăm tắp nhau về tuổi tác, vóc dáng. Đồng phục hải quân, nhìn mặt mũi thì biết đích thị đây là lính mới tuyển. Giống hệt nhau ở nước da ruộng đồng, ở vẻ ngơ ngẩn với ga lớn thủ đô và cả ở cái cách xúng xính trong quân phục còn mới cứng. Em ở đâu đi nghĩa vụ đó em…”
 
Rõ ràng là tác giả đang “bình” tấm hình. Với đoạn mở bài như thế, ta có thể khẳng định, chính tấm hình này đã tạo ra cảm xúc cho tác giả viết tiếp toàn bài. Như vậy, hẳn là tác giả phải say sưa ngắm nghía rất kỹ tấm hình. Và như vậy, hẳn là tác giả không thể không nhận ra những dòng chữ Trung Quốc trên mũ những người lính!
Nhầm lẫn? Không thể nào! Không thể nói là nhầm lẫn bởi Hải quân Việt Nam mặc quần xanh, trên mũ có chữ “Hải quân Việt Nam” trong khi những người lính trong ảnh trên mặc quần trắng, trên mũ là chữ Trung Quốc.
Tai nạn nghề nghiệp? Cẩu thả? Cố tình? Lập lờ? Không biết nữa! Chỉ biết rằng một bài viết như thế, với tấm hình như thế, đăng vào đúng ngày nhà báo, nhân số báo chào mừng ngày báo chí cách mạng Việt Nam thì thật khó lý giải!
Có trách nhiệm của cơ quan quản lý báo chí
 
Tự do ngôn luận, tự do báo chí hoàn toàn không đồng nghĩa với tự do bịa đặt, tự do tùy tiện lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như các trường hợp trên đây.
 
Ở Việt Nam có cả một hệ thống cơ quan quản lý báo chí. Bên Đảng có Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các Ban Tuyên giáo 63 tỉnh thành; bên chính quyền có Bộ TT&TT cùng các sở TT&TT cũng đầy đủ ở 63 tỉnh thành. Tuy nhiên, công tác phát hiện và xử lý những sai sót trên báo chí lại rất mờ nhạt. Ngày 18/9/2012, báo Quân đội nhân dân cùng hàng loạt cơ quan báo chí lớn như Công an nhân dân, Hà Nội mới… bịa đặt thông tin về “Dịch cúm gia cầm phát sinh tại hai huyện của tỉnh Quảng Bình”
Sau khi có công văn chính thức của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình khẳng định đó là những thông tin bịa đặt nhưng các tờ báo lớn kia cũng phớt và cũng không một cơ quan báo chí nào lên tiếng!
 
Sau bài bịa của báo Đài Tiếng nói VN về vụ “bố chống dính nàng dâu” thì có đến 2 phóng viên của Infonet cũng hăm hở vào cuộc điều tra và sản xuất ra bài “Hàng xóm kể chuyện ‘giải cứu’ bố chồng dính chặt con dâu” còn lâm li bi hài kịch gấp bội phần bài gốc của VOV nữa?! Hàng loạt cơ quan báo chí nhắm mắt đồng loạt đăng lại. Infonet – trang báo chính thống của Bộ Thông tin truyền thông. Bài bịa tiếp theo của Infonet về chuyện bố chồng dính chặt với con dâu lại đang tâm lấy hình ảnh cấp cứu trong bài viết “Tiêu chảy cấp nguy hiểm tái xuất” đăng từ năm 2008 trên VnExpress của phóng viên ảnh Hoàng Hà để đưa vô làm “hình minh họa” cho bài! Và cái sự trâng tráo của 2 phóng viên Giang Uyên – Trúc Hồ này thể hiện rất rõ ở việc cố tình cắt mất cái chữ “Bệnh viện Bạch Mai” nổi tiếng ngoài Hà Nội đi để “minh họa” cho việc bố chồng nàng dâu ở miền Tây bị khiêng vô bệnh viện, cho bài báo thêm sinh động và thuyết phục?
Thế nhưng, khi dư luận phát hiện là bịa đặt, Cơ quan chủ quản của báo Đài Tiếng nói VN đã xử lý BBT cùng phóng viên của mình thì Ban Biên tập báo Infonet cũng chỉ lặng lẽ rút bài, không một lời xin lỗi và cơ quan chủ quản là Bộ TT&TT dường như cũng biết!
Về vụ đình đám nhất trên truyền thông là vụ Tiên Lãng, dù Bộ TT&TT đãphát hiện
 
“Có bài báo, tờ báo thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, không khách quan, mang tính một chiều. Đơn cử, liên quan vụ cưỡng chế, thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) mặc dù đã được Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông 4 lần nhắc nhở, định hướng nhưng có một số tờ báo vẫn thông tin dồn dập, quá liều lượng cần thiết, mất cân đối với những vấn đề quan trọng khác của đất nước. Đáng lưu ý, trong khi nhấn mạnh sai phạm của chính quyền ở Tiên Lãng, Hải Phòng, lại thông tin “nương nhẹ” về những vi phạm, sai phạm của ông Đoàn Văn Vươn theo kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng. Một số báo thông tin, bình luận có tính suy diễn, cho rằng, gốc của vấn đề, vụ việc là do sở hữu toàn dân về đất đai trong khi thực ra, nguyên nhân chủ yếu do nhận thức, thực hiện sai các quy định pháp luật đất đai về cho thuê đất, thu hồi đất, cưỡng chế đất cũng như do các quy định về quản lý đất đai thiếu đồng bộ, chống chéo, phức tạp.” (Trích Báo cáo Đánh giá Công tác Báo chí 2011).
 
Thế nhưng thật lạ là Bộ TT&TT không dám công khai việc xử lý khiến cho đến giờ dư luận vẫn lẫn lộn đúng/sai trong đường lối xử lý của Bộ Tài nguyên- Môi trường tại hướng dẫn bằng văn bản cho TP Hải Phòng. Tại sao Bộ TT&TT không thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tạiKết luận ngày 10/2/2012, xin trích: “Yêu cầu Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chủ quản, tăng cường chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia tuyên truyền định hướng dư luận xã hội; kịp thời chấn chỉnh, xử lý những vi phạm để báo chí nước ta ngày càng vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thiết nghĩ, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT cần nâng cao trách nhiệm quản lý báo chí, kịp thời phát hiện và công khai xử lý những nhà báo, những cơ quan báo chí vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người cầm bút để bịa đặt hoặc bóp méo thông tin như chúng tôi chỉ ra hôm nay.
TRẦN THỊ HẢI PHƯỢNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *