BÀO CHỮA HAY CỔ SÚY CHO HÀNH VI PHẠM PHÁP?

Người xem: 299

LâmTrực@



Xin nói ngay, LâmTrực@ không phải là dân luật và phạm trù “bào chữa” trong entry này không chỉ giới hạn trong phiên xét xử ở Tòa án, mà bao gồm cả những hoạt động trước, trong và sau khi xét xử, và chủ yếu nói đến những bài viết, những những lời bình về vụ án.


Đã có những bài bênh vực cho kẻ phạm tội, chuyện này là hoàn toàn bình thường, nhưng điều mà chúng ta quan tâm đó là các tác giả của những bài viết đó có thực sự quan tâm đến số phận của các bị can bị cáo hay không? Hay họ chỉ lợi dụng việc bênh vực các bị can, bị cáo để thực hiện mục đích nào đó?

Trên thực tế, xu hướng chung là kẻ phạm tội luôn tìm cách bao biện để chứng minh mình vô tội hoặc giảm nhẹ tội. Trong nhiều trường hợp, do nhận thức, Tòa án đã tuyên phạt bị cáo một mức án nào đó cho một tội danh nào đó, mặc dù là rất công tâm, khách quan, nhưng bản thân bị cáo, luật sư hoặc những người ủng hộ anh ta vẫn không “tâm phục khẩu phục“. Cũng có thể có trường hợp bản thân họ biết là Tòa tuyên đúng, nhưng họ vẫn tiếp tục kêu ca, lu loa, thậm chí là vu cáo các cơ quan tố tụng, nhưng cái đích chính là thông qua việc vu cáo cơ quan tố tụng chỉ để nhằm đến cái đích cuối cùng là nói xấu chế độ và kêu gọi lật đổ chế độ. Tất nhiên, bạn đọc nên lưu ý rằng, không nhất thiết họ phải nói ra câu “hãy lật đổ chế độ này đi” thì mới là kêu gọi lật độ chế độ, mà ngôn ngữ văn học, báo chí với khả năng của nó có thể có những lời kêu gọi lật đổ chế độ, lật đổ chính quyền kín đáo và mang màu sắc “hợp pháp” hơn nhiều.

Cũng chả có gì đáng trách khi các luật sư làm nhiệm vụ bảo vệ thân chủ của mình tìm mọi cách để biện giải, ngõ hầu chứng minh được thân chủ vô tội hoặc giảm nhẹ tội cho họ. 


Thực tế thì sao? Hoạt động của các luật sư bào chữa diễn ra phức tạp hơn ta tưởng. Rất khó để phân biệt được hành vi bào chữa cho thân chủ của các luật sư với hành vi lợi dụng quyền bào chữa để đánh bóng bản thân, để tiếp tay cho những thế lực nào đó có quan điểm chính trị đối lập với chính quyền. 


Đã có những luật sư chuyên nhận bào chữa các “ca khó” và biết chắc là sẽ thua, nhưng họ vẫn làm, lý do rất đơn giản vì vụ này được dư luận quan tâm chú ý, và thông qua phiên tòa này tên tuổi của họ sẽ nổi như cồn. Có những luật sư chuyên nhận những vụ việc mà theo họ, những điều luật được quy định trong Bộ luật Hình sự là còn “mù mờ” chưa rõ ràng để kết quả bào chữa là 50/50. Trong vụ việc này, dù “thắng hay thua“, thì bản thân họ vẫn hưởng lợi từ phía thân chủ và có rất nhiều trường hợp họ vẫn nhận được khoản thù lao hậu hĩnh từ những người được coi là “bất đồng chính kiến” với chính quyền. Lý do họ nhận được khoản tiền đó là do với tư cách là luật sư, họ đã thay mặt những người đứng sau nói lên quan điểm của mình, trong một nỗ lực nhằm làm thay đổi nội dung và cách thể hiện điều luật cụ thể theo xu hướng có lợi cho họ. Tất nhiên, thay đổi một điều luật là không dễ, nó sẽ kéo theo việc thay đổi cả một hệ thống luật khác, và vô hình chung sự  thay đổi này dẫn đến thay đổi của kiến trúc thượng tầng của một thể chế chính trị.

Chuyện không lạ ở Việt Nam qua những phiên tòa xét xử những đối tượng có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là, ngoài bị cáo, luật sư bào chữa, còn có cả những người cả trong lẫn ngoài nước đều “tham gia” tích cực. Ngay cả trước, trong và sau khi xét xử, những kẻ cùng hội cùng thuyền với kẻ bị cáo buộc là có tội luôn tìm cách gây áp lực lên các cơ quan công quyền và thậm chí là thông qua con đường đối ngoại để thực hiện việc đó. Cũng chả có gì đáng bàn nếu như họ, nhưng người ủng hộ kẻ có hành vi vi phạm pháp luật, và các tổ chức quốc tế kia công tâm và thực hiện cái quyền của mình một cách có văn hóa. Rất tiếc, những người lớn tiếng ủng hộ bị cáo lại hầu hết là những người có thái độ chống đối chính quyền do bất mãn hoặc cơ hội. Ngay cả những tổ chức được gọi là quốc tế kia cũng vậy, thành viên của họ xét về mặt lai lịch cũng không phải loại “cơ bản” trong xã hội, thậm chí có người còn bị tòa án của một số nước kết tội. Thế nên, sự kêu gọi của họ trên thực tế là ít có giá trị bởi động cơ thiếu công tâm và mang nặng tính vụ lợi.

Pháp luật của một nước, dẫu có thể chưa tân tiến bằng nước khác, nhưng nó vẫn luôn là những quy định phải tuân thủ. Vì thế, việc bào chữa hay gây sức ép nhằm tạo sự chú ý của dư luận và đặc biệt là tập trung sự công tâm của các quan tòa là việc nên làm. Nhưng làm như thế nào để bảo vệ tốt nhất cho kẻ bị cáo buộc có hành vi phạm tội kia thì xem ra còn nhiều điều phải bàn cãi.

Cùng lướt qua phiên tòa xét xử Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha và đồng bọn phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân vừa qua tại Long An. Với những chứng cứ thu được theo đúng trình tự thủ tục tố tụng, và lời khai của các bị cáo, Tòa án đã tuyên phạt Phương Uyên 6 năm tù giam, và Kha là 8 năm. Đây là một bản án được giới chuyên gia đánh giá là khách quan, công tâm và làm hài lòng đại đa số người dân. Tất nhiên, Luật sư bào chữa, bản thân bị cáo và nhưng người ủng hộ hành động của Uyên, Kha thì không tâm phục khẩu phục bởi họ cho rằng đó là bản án quá nặng. 


Điều mà dư luận quan tâm là cả bị cáo, luật sư và người bào chữa đều tận dụng triệt để quyền của mình để bào chữa bằng cách lờ tịt đi những tình tiết quan trọng của vụ án. Họ cắt bỏ toàn bộ những tình tiết, những chứng cứ quan trọng có tính chất buộc tội. Họ không hề nhắc đến dù chỉ một lần những lá cờ vàng ba sọc, những đồng tiền Việt Nam và những lá truyền đơn có nội dung kêu gọi lật đổ chính quyền, xuyên tạc và phỉ báng lịnh sử dân tộc. Ngay cả tình tiết họ nhận tiền từ một tổ chức phản động có tên “Tuổi trẻ yêu nước” để mua điện thoại, máy ảnh, mua thuốc nổ, chế tạo mìn và kế hoạch đánh phá tượng đài TP HCM cũng như Cần Thơ cũng bị họ bỏ qua. Đáng quan ngại hơn, họ viết bài bêu riếu chính quyền, mạt sát và phỉ báng các quan tòa trên mạng Internet làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước và chính quyền địa phương. Tác giả của những bài viết này lại là những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình văn học, có thể lấy ví dụ như: Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Quang Lập, Thùy Linh, Nguyễn Tường Thuỵ…Rất tiếc, những người này không có kiến thức chuyên môn về pháp luật, có thừa sự bất mãn với chế độ, với lối suy diễn chủ quan làm cho người dân hiểu sai bản chất vụ án. 


Có người nói rằng, sự can dự của cánh “bào chữa sa lông” vào vụ án một cách thái quá có thể làm nảy sinh nhiều hệ lụy đối với xã hội. Đặc biệt, nó làm mất đi tính giáo dục đối với người vi phạm pháp pháp luật và đẩy họ sâu hơn vào vòng tội lỗi. Từ một bình diện khác, cách bào chữa vô tiền khoáng hậu ấy không bị xử lý sẽ là lời động viên, khích lệ thế hệ khác dấn thân vào vòng lao lý. Và điều này đã được cảnh báo là hành động bất lương.


Nhận xét đó quả không sai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *