LỄ HỘI CHÉM LỢN NHÌN TỪ CON MẮT NGƯỜI VIỆT NAM

Người xem: 101

Nếu không nhìn lễ hội bằng con mắt văn hoá thì chỉ thấy nó dã man thôi. Nhãn quan nông choèn thế nhưng vẫn cố quậy tung lên để tiêu tiền tài trợ. Nhìn thế thì nhẽ AAF xem linga và joni chỉ thấy bườm và dái thôi, cóa phỏng.

Xem bản tôi đăng trên báo Đảng tại đây, hehe:


Ảnh này tôi ăn cắp trên mạng

Năm 2013, bộ phim Hunger Game của Mỹ bị cấm chiếu tại Việt Nam dù nhiều nước cho phép. Ngay cả bộ phim Việt Nam “Bụi đời chợ Lớn” cũng không qua nổi vòng kiểm duyệt của Cục điện ảnh để ra rạp. Không phải do yếu tố chính trị. Không phải do nội dung đồi truỵ. Chính bởi vì nội dung của chúng quá bạo lực khi hàng chục người giết lẫn nhau để tồn tại hay hàng trăm người của hai băng đảng vác dao kiếm lao vào quyết ăn thua đủ trên phố.

Như vậy rõ ràng cơ quan có thẩm quyền về văn hoá, nơi có trình độ chuyên môn rất cao ở nhiều lĩnh vực đã rất quan tâm những hình ảnh bạo lực như vậy tác động xấu tới nhân cách con người. Theo Zing News, ông Phan Ðình Tân – Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ VH-TT&DL cho biết: “Bộ VH-TT&DL không ủng hộ những hành vi có tính chất bạo lực, man rợ tại các lễ hội như lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh.

Vậy tại sao Bộ và Sở Văn Hoá – Thể Thao – Du Lịch tỉnh Bắc Ninh lại không phúc đáp lại thư của tổ chức Động vật Châu Á (AAF)?

Đây là một lễ hội truyền thống có yếu tố lịch sử

Để bác bỏ một lễ hội truyền thống lâu đời, gắn bó mật thiết với đời sống của một địa phương không phải là câu chuyện đùng một cái làm theo đề xuất của một tổ chức nào đó. Nhất là khi nó gắn liền với truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc và gắn liền với một vị tướng và đội quân đã có công chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Việc giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ là điều nên làm nhất là khi nhà trường đang tỏ ra kém hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội, cho rằng có nhiều cách giáo dục và thay thế bằng những hoạt động khác là một phát biểu chưa thoả đáng. Nếu cái gì ta cũng thay thế thì dần dà chúng ta sẽ giữ lại được điều gì? Đồng bào Tây Nguyên thay vì đâm trâu thì đua trâu và nhân dân Bắc Ninh thay vì chém lợn sẽ vật nhau với lợn chăng? Bà có nói đến việc giết mổ không gây đau đớn cho động vật thì rõ ràng đâm trâu một nhát vào tim, chặt phăng thủ cấp lợn sẽ dẫn tới cái chết nhanh chóng hơn hẳn so với đưa chúng vào phòng hơi ngạt như phương Tây. Hay bà đề cập tới chuyện chọc tiết từ từ chảy để đánh tiết canh?

Việc có những hành vi đối xử tàn tệ với động vật hay mang tính chất man rợ gây tác động tâm lý tới người xem sẽ cần điều chỉnh. Tuy nhiên cái nào cần điều chỉnh và điều chỉnh thế nào thì cần có nghiên cứu. Đây là việc mà đáng lẽ các cơ quan văn hoá của tỉnh Bắc Ninh đã phải làm từ lâu chứ không phải đợi AAF lên tiếng.

Thói quen nuôi và giết mổ động vật của Việt Nam khác phương Tây

Không như các nước phương Tây, dân chúng ở Việt Nam hiện vẫn giữ thói quen giao tiếp xã hội khá thân mật trong cộng đồng. Việc tiếp xúc, trò chuyện cởi mở và thậm chí là ăn uống với nhau diễn ra rất thường xuyên. Có thể vì vậy nên vai trò của vật nuôi để làm bạn không cao. Mốt nuôi chó, mèo, chuột để làm bạn cũng chỉ mới có ở các đô thị lớn theo làn sóng văn hoá phương Tây tràn vào. Ở các làng quê, đa phần chúng chỉ được nuôi để giữ nhà, bắt chuột và lấy thịt.

Do đa phần cư dân làm nông nghiệp nên việc giết thịt động vật ngay tại gia đình là khá phổ biến. Chúng ta hoàn toàn coi việc giết mổ gà, vịt, chó, mèo, lợn hay trâu, bò để làm thực phẩm là việc đơn giản, nghiễm nhiên và không có gì phải cân nhắc đến chuyện thực thi như thế nào. Hết sức thoả đáng. Bởi nếu không giết mổ thì sẽ rất tốn kém để mua thịt được làm sẵn trong tâm lý nơm nớp lo sợ về an toàn thực phẩm.

Chuyện nhìn chọc tiết chó, lợn với trẻ em ở quê là rất phổ biến. Chuyện các em xem bố dìm chết con mèo dưới ao hay mẹ bóp mũi chim bồ câu để mổ thịt là hết sức bình thường. Còn việc giữ hộ con gà để cắt tiết xảy ra gần như cơm bữa. Có hề gì đâu cảnh máu chảy khi mà từ nhỏ ta đã nhìn đến phát nhàm. Bôi máu lợn lên đồng tiền cầu may ở lễ hội đã thấm tháp gì so với việc xơi một bát tiết canh đỏ choét bất chấp những nguy cơ bệnh dịch.

Đó mới là cái đáng quan ngại nhất chứ không phải là cái lễ hội kia.

Hoà nhập chứ không hoà tan

Văn hoá là cái gốc của của một dân tộc. Mất văn hoá ấy chính là mất nước vậy.

Cả nghìn năm dưới ách đô hộ của Trung Hoa, dù chịu bao nhiêu huỷ hoại và sự xâm lăng văn hoá đến mức gần như xoá đi làm lại nhưng cái hồn cốt Việt vẫn được lưu giữ trong các làng quê. Và những người Việt ấy đã giữ lại cho chúng ta nước Việt Nam hôm nay không giống với bất kì quốc gia nào. Tiếng Việt là minh chứng hùng hồn nhất cho điều này.

Truyền thống giữ nước, chống ngoại xâm là điều mà thế hệ người Việt nào cũng gửi gắm lại cho những người kế tục. Nhưng chống ngoại xâm bây giờ phải tính tới cả việc xâm lăng về văn hoá. Chúng ta cần cảnh giác cao với những giá trị phương Tây được du nhập vào một cách tinh vi qua những thứ tưởng như rất đạo đức, rất nhân văn. Chính bởi vậy ta tiếp thu cái tinh hoa của họ chứ không vì thế mà xoá bỏ đi cái làm nên bản chất của chính mình.

AAF là một tổ chức phi chính phủ và hoạt động nhờ ngân sách xin tài trợ từ các nguồn vốn khác. Họ có quyền truyền bá về ý thức bảo vệ động vật, về hạn chế các hành vi đối xử tàn bạo với động vật nhưng họ không nên phản đối một lễ hội cổ truyền của người Việt.

Đó chẳng phải là đang cố gắng xoá đi những thành trì cuối cùng bảo vệ văn hoá dân tộc trước thứ văn hoá lai căng, kệch cỡm đang tràn ngập ở thế hệ trẻ hay sao?

Nhưng, để thay đổi cho nó nhân văn hơn, thiết nghĩ lễ hội nên giới hạn độ tuổi tham dự. Ta làm với phim được thì tại sao với một hoạt động đời thực thế này lại bỏ qua.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *