Về chuyện tự ứng cử ĐBQH

Người xem: 127

LâmTrực@ 

Phải công nhận xã hội ta giờ văn minh, dân chủ, coi trọng quyền công dân hơn nhiều so với trước đây. Bằng chứng là ở 2 thành phố lớn, số người tự ứng cử đông hơn hẳn số người được các cơ quan, tổ chức giới thiệu.

Kiểm sơ sơ thấy: Hà Nội có 48 người tự ứng cử so với, trong khi đó chỉ có 42 người được giới thiệu. Tỉ lệ này ở TP. Hồ Chí Minh là 48/41. Rõ ràng, không cần bàn cãi, người dân đã tự ý thức được nghĩa vụ và quyền lợi của mình và nhà nước cũng đã rất tôn trọng quyền của người dân. 

Tuy nhiên, theo dõi diễn biến quá trình làm hồ sơ ứng cử ĐBQH và HĐND vừa qua, vẫn còn nhiều vấn đề làm người có lương tâm với đất nước lo lắng.

Anh Trung ở Nghệ An, đang theo khóa NB5 ở Hà Nội bày tỏ, cái gì cũng có tính 2 mặt. Song song với quá trình dân chủ là những mặt trái. Việc mở rộng phạm vi cho người tự ứng cử là tín hiệu tích cực cho việc mở rộng dân chủ ở nước ta, song nếu không cẩn trọng, một Quốc hội với một “bộ phận không nhỏ” đại biểu kém chất lượng, bao gồm những thành phần chống phá đất nước, những kẻ lang thang cơ hội, những người kém hiểu biết, hoặc quá già không đủ sức khỏe sẽ là hiển hiện. 

Thực tế, những người như ông Nguyễn Quang A, TS Nguyễn Xuân Diện, Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Đình Hà hay cô Phương Bích… đều thuộc nhóm đã chống lại Hiến pháp, có những hành vi vi pháp pháp luật. Chỉ riêng chi tiết này họ cũng đã không có tư cách đại biểu. Sự thật là họ tự biết mình không đủ tư cách và chắc chắn sẽ bị loại, nhưng họ vẫn công nhiên tự ứng cử. Rõ ràng, việc họ tự ứng cử không phải vì mục đích để trở thành đại biểu Quốc hội, mà nó là “phép thử dân chủ” và tạo cớ cho những kẻ không ưa chế độ xuyên tạc, chống phá. Rất tiếc, âm mưu này vẫn được một số người ủng hộ, như ông tướng Lê Mã Lương. 

Có những người tự ứng cử ghi rõ là mình hiện đang thất nghiệp, cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng về động cơ mục đích ứng cử. Người viết cho rằng, những người mà tự thân mình không thể lo nổi cho chính mình thì sao lo được cho dân cho nước.

Hôm qua, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho rằng, đại biểu Quốc hội không chỉ hát hay mà phải hiểu biết rất nhiều lĩnh vực, hiểu biết về pháp luật, về kinh tế xã hội,… để góp phần xây dựng luật, pháp lệnh, giám sát quá trình thực hiện pháp luật và nói lên ý kiến, kiến nghị của dân. Đây là ý kiến đúng mực và nghiêm túc. Việc những người trong giới văn nghệ sĩ tham gia ứng cử nói lên nhiều điều tích cực, song cũng cần hiểu rằng, do đặc điểm nghề nghiệp, văn nghệ sĩ thường có lối sống phóng khoáng, song tính kỷ luật lại có vấn đề, nhất là những ca sĩ, nghệ sĩ làm tự do. Khi động vào các vấn đề trái chuyên môn họ thường tỏ ra kém cỏi, và đặc biệt hay lẩn tránh những ý kiến của cử tri.

Nhà văn Nguyễn Khải, người đã từng là ĐBQH khóa VII, đã nói rằng, “làm cái gì cũng phải say mê, chuyên nghiệp. Làm ĐBQH càng phải say mê và chuyên nghiệp. Nếu không say mê hoạt động chính trị, không say mê làm luật thì đừng làm ĐBQH”. Nhưng cũng chính ông cũng phải thú nhận rằng, “Tớ… lười biếng, làm ĐBQH lười biếng là điều cấm kỵ. Ví dụ, khi nhận đơn kiện của cử tri ĐBQH phải lăn xả làm đến nơi, đến chốn nhưng tớ thường lủi rồi đùn đẩy chỗ khác cho xong chuyện. Nhiều người hy vọng tớ là nhà văn sẽ luôn phản ánh trung thực cuộc sống vào Diễn đàn QH, nhưng sự thật tớ lại quá dè dặt”…(Kiểm chứng ở đây)

Hãy tưởng tượng, một anh Vượng Râu, người đã từng hòa giọng với tổ chức khủng bố Việt Tân chửi bới chính quyền vụ “cây xanh Hà Nội”, xúc phạm mạ lị các anh hùng dân tộc trong vụ Gạc Ma và hiện tại đang xây đền thờ, hoạt động tín ngưỡng trái pháp luật lại là người xây dựng pháp luật, và đại diện cho quyền lợi của người dân. Không nói cũng có thể thấy, đó là bi hài kịch với đất nước.

Đó là ví dụ anh hề Vượng Râu, nhưng còn cô ca sĩ tự do Lâm Ngân Mai, sinh năm 1984, mới học hết lớp 9/12 ở TP Hồ Chí Minh liệu có đủ trình độ năng lực của một đại biểu Quốc hội? 

Các báo cho hay, một cụ ông 91 tuổi ở TP Hồ Chí Minh cũng tự tin tham gia tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Rõ ràng pháp luật nhân văn tới mức không cấm người cao tuổi tự ứng cử, nhưng một cụ ông 91 tuổi liệu còn đủ minh mẫn và sức khỏe của một đại biểu? 

Thực tế này cho thấy mục đích “tự ứng cử” của một số người là có vấn đề, họ ứng cử không phải để lo cho dân cho nước mà vì cá nhân họ hoặc vì bệnh lý.

Đến đây, người viết lại nhớ đến trường hợp tự ứng cử đại biểu Quốc hội ở TP Hồ Chí Minh khóa trước, người tự ứng cử được bác sĩ kết luận là bị tâm thần phân liệt thể khiếu kiện. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã từng đề nghị: “Khám sức khỏe cho người được giới thiệu hoặc ứng cử ĐBQH không phải như khám sức khỏe lái xe, mà phải có trắc nghiệm về trình độ và thần kinh, tâm lý. Nếu tâm thần mà không ổn định thì hậu quả nhiều khi khó giải quyết vì nhiệm kỳ kéo dài tận 5 năm”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *