Việc cấp giấy đi đường của Hà Nội là hợp hiến

Người xem: 108

Cuteo@
 

Đọc một bài trên Viettimes, thấy có anh Nguyễn Thanh Bình phán như đúng rồi rằng, việc cấp giấy đi đường của công an Thành phố Hà Nội trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội là vi hiến. Tôi phì cười, bởi câu nói ấy được Viettimes ghi nhận từ một người là luật sư, lại có học vị Tiến sĩ, đã từng là Trưởng khoa Đào tạo Thẩm phán, Luật sư và các chức danh Tư pháp của Học viện Tư pháp. 

 
Khỏi tranh cãi nhiều, tác động tiêu cực của cái ý nghĩ “Vi hiến ấy” khủng khiếp như thế nào, bởi nó sai cơ bản về kiến thức pháp luật, kích động người dân sự phản đối các quy định phòng chống dịch. Rất tiếc, bài viết sai trái này lại được Viettiems tiếp tay lan tỏa. 
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên về quyết định áp dụng biện pháp kiểm soát người dân ra đường bằng việc cấp giấy đi đường có gắn mã QR dưới góc độ pháp lý, thì anh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, việc công an cấp giấy đi đường, giấy thông hành cho công dân là không có căn cứ về cơ sở pháp lý vì hiện luật pháp không có điều khoản nào quy định việc hạn chế quyền tự do đi lại của công dân. Thậm chí anh cho rằng, hiện nay chưa có luật liên quan nên không có cơ sở pháp lý nên quyết định của Hà Nội là vi hiến.
 
Bỏ qua cái sự lẩm cẩm, lạc đề của anh Bình khi trả lời phóng vấn, đó là phóng viên hỏi về “Tuyên bố áp dụng biện pháp kiểm soát…” của Hà Nội, thì anh lại trả lời vào việc “công an cấp giấy đi đường…”. Thưa anh Bình, đó là 2 vấn đề khác nhau. Công an Hà Nội chỉ là đơn vị được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ cấp giấy đi đường cho công dân trong thời gian giãn cách xã hội mà thôi. 
 
Trước hết, mớ lý luận để chứng minh rằng việc cấp giấy đi đường cho công dân (anh gọi là giấy thông hành) của công an Hà Nội sẽ không sai trong điều kiện bình thường, nhưng nó sai trong điều kiện đại dịch như hiện nay. Trong điều kiện đại dịch thì việc áp dụng pháp luật sẽ phải khác, theo đó, việc chống dịch phải như chống giặc và trong điều kiện ấy, một số quyền công dân có thể sẽ bị hạn chế bởi các quy định của pháp luật.
 

Tôi lấy ví dụ nhỏ xinh là pháp luật không có điều khoản nào quy định công dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người, khi ra đường, khi vào bệnh viện. Tuy nhiên, trong điều kiện đại dịch như hiện nay, ai cũng phải chấp hành việc đeo khẩu trang. Việc làm ấy là để bảo vệ chính họ, bảo vệ cộng đồng và về mặt chuyên môn y học là để tránh lây lan, lây nhiễm bệnh dịch. Về quy định đeo khẩu tranh này, liệu ông có cho là vi hiến không, thưa anh Tiến sĩ luật?

Tiếp theo, anh nói rằng “không có điều khoản nào quy định việc hạn chế quyền tự do đi lại của công dân. Thậm chí anh cho rằng, hiện nay chưa có luật liên quan. Đây là nhận định sai toét của anh, nó có thể đến từ dung lượng kiến thức luật trong anh, và cũng có thể đến từ lý do khác. 

 
Thưa anh, việc hạn chế quyền tự do đi lại của công dân đã có quy định trong Hiến pháp 2013, trong luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Nghị quyết số 86 của Chính phủ ngày 6/8/2021 và các Chỉ thị điều hành số 15 và 16… Tất cả các văn bản nêu trên đều “Liên quan” đến vấn đề hạn chế quyền tự do đi lại của công dân. Tôi phiền anh mở giáo trình, giáo án xem lại nhé.
 
Tôi lại tiếp, việc cấp giấy đi đường nhằm hạn chế công dân di chuyển là một trong những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 không thể trì hoãn nhằm kiểm soát tình trạng lây lan dịch bệnh trong xã hội. Nếu không thực hiện biện pháp này, khó có thể hướng đến kiểm soát dịch bệnh để đưa cộng đồng trở lại hoạt động. Xin nhắc lại rằng, việc hạn chế công dân di chuyển nhằm mục đích tránh lây nhiễm, lây lan dịch bệnh để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. 
 
Dưới góc độ pháp lý, cấp giấy đi đường gắn QR code là một hình thức hạn chế quyền đi lại trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19 và chỉ áp dụng đối với một số đối tượng nhất định. Theo đó, chỉ một số công dân được phép di chuyển trên một lộ trình, khung giờ nhất định và để thực hiện các hoạt động cần thiết cho cộng đồng.
 
Anh Nguyễn Thanh Bình nên nhớ, quyền đi lại của công dân được quy định tại Điều 23 Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Theo đó, quyền tự do đi lại còn bị hạn chế bởi các điều luật bên ngoài Hiến pháp.
 
Tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp ghi: “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Tôi nghĩ với một công dân bình thường cũng có thể hiểu được, “quyền con người, quyền công dân” bao hàm cả “quyền tự do đi lại”. Trích dẫn như thế để thấy, “quyền tự do đi lại của công dân” cũng có thể bị hạn bởi các điều luật bên ngoài Hiến pháp. 
 
Ở Việt Nam, theo quy định của pháp luật, trong tình trạng dịch bệnh, việc phòng chống dịch được phân cấp theo ủy nhiệm của Chính phủ, quy định tại Điều 6 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, theo đó “Ủy ban Nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo phân cấp của Chính phủ”. Dựa trên quy định này, UBND cấp tỉnh thực thi các biện pháp phòng dịch do Chính phủ chỉ đạo bởi các Nghị quyết, Chỉ thị. Ví dụ như Nghị quyết số 86 của Chính phủ ngày 6/8/2021, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19… Các quyền hành pháp quốc gia của Chính phủ được hiến định tại Hiến pháp 2013 và cụ thể hoá tại Điều 46 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 về việc chỉ đạo chống dịch. Mọi công dân đều có nghĩa vụ chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh do Ban chỉ đạo chống dịch đề ra trên phạm vi hành chính cư trú của công dân (Điều 7 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007).
 
Tại điểm C Khoản 1 Điều 52 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định “Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch” là một trong các biện pháp chống dịch trong thời gian có dịch. Việc hạn chế tập trung đông người hay tạm đình chỉ một số hoạt động… cũng đương nhiên bao hàm cả việc hạn chế đi lại.
 
Tại điểm 1 Chỉ thị 16/CT-TTg có nội dung quy định: “…Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết…”. Các trường hợp được coi là thực sự cần thiết được Chính phủ hướng dẫn tại Công văn 2601/VPCP-KGVX ngày 3/4/2021 về việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về phòng, chống dịch COVID-19.
 
Tôi dài dòng trích dẫn các văn bản quy phạm pháp luật ra để chứng minh rằng, việc cấp giấy đi đường cho công dân trong thời gian dịch bệnh là dựa trên những cơ sở pháp lý chắc chắn và hết sức cần thiết. Nói cách khác, việc TP Hà Nội thực hiện cấp giấy đi đường gắn QR code nhằm hạn chế công dân đi lại để chống dịch là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp và đúng tinh thần luật định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. 
 
Tôi cho rằng ý kiến của anh TS,LS Nguyễn Thanh Bình “công an cấp giấy đi đường gắn QR code thiếu căn cứ pháp lý” là không đúng và rất nguy hiểm trong điều kiện đại dịch như hiện nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *